Phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 sáng 17/12 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Đà Nẵng tránh tâm lý e dè, sợ sai, thấy những việc cũ đang xử lý mà không dám làm gì nữa...
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Bộ Chính trị vừa làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổng kết 15 năm thực hiện nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị khóa 9 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Bộ Chính trị thống nhất ban hành ban hành nghị quyết mới về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trên cơ sở kế thừa nghị quyết 33, đồng thời bổ sung những điểm mới phù hợp điều kiện, tình hình thực tiễn của thành phố.
Kết quả không như mong đợi
Theo Chủ tịch Quốc hội thì những thành tựu sau 15 năm thực hiện nghị quyết 33 là rất rõ nét. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu quan trọng mà nghị quyết này đặt ra vẫn chưa thực hiện xong hoặc kết quả thực hiện không như mong đợi.
Như, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế - xã hội lớn của miền Trung- Tây Nguyên, một đô thị có bản sắc riêng, mang tầm vóc quốc tế; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020; vai trò động lực, sức lan tỏa trong liên kết, phát triển vùng... thực sự chưa nổi bật, còn khoảng cách khá xa giữa nghị quyết với thực tế hiện nay.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, quy mô kinh tế của Đà Nẵng còn nhỏ (với tỷ trọng GRDP chỉ chiếm 1,55% so với cả nước). Những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của thành phố có phần suy giảm, ngày càng phát sinh nhiều vấn đề phức tạp của một đô thị lớn đang phát triển. Dư địa phát triển, nhất là quỹ đất sạch thu hút đầu tư không còn nhiều; thu ngân sách so với một số địa phương khác chưa phải là lớn, tích lũy đầu tư còn hạn chế.
Quy hoạch, định hướng phát triển thành phố trước đây đã không còn phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay, cần phải nghiên cứu điều chỉnh lại. Định hướng thời gian tới của thành phố là tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, xong tình hình thu hút đầu tư vào lĩnh vực này đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong thời gian tới, theo Chủ tịch Quốc hội, Đà Nẵng phải tập trung phát triển theo hướng hiện đại, tập trung vào 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển. Trong đó, đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế.
Cần có chính sách phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung, trong đó lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Tránh tâm lý sợ sai, không dám làm gì
Nội dung tiếp theo được Chủ tịch đề cập là thành phố cần thực hiện rà soát lại quy hoạch và quy hoạch phát triển không gian đô thị đảm bảo nguyên tắc phát triển thông minh, bao trùm và bền vững; xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo phát triển.
Vấn đề nữa được Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh là phát huy cao độ sự đồng thuận của xã hội, quyết liệt thực hiện nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, nghiên cứu áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp với tình hình thực tế thành phố.
Gợi mở về mô hình chính quyền đô thị, Chủ tịch Quốc hội cho biết Hà Nội đang nghiên cứu thí điểm, chính quyền nông thôn thì ba cấp còn chính quyền đô thị đang nghiên cứu mô hình chỉ có hai cấp, không có cấp phường. Hai cấp thành phố và quận vẫn có cả hội đồng nhân dân nhưng bộ máy tinh gọn, không có các ban chuyên trách. Và khi không còn cấp phường thì quận có thể tổ chức những đơn vị hành chính là cánh tay nối dài của quận để phục vụ thủ tục hành chính cho dân, Chủ tịch thông tin.
Nhấn mạnh là hiện vẫn đang ở giai đoạn nghiên cứu, Chủ tịch Quốc hội khuyến khích Đà Nẵng có mô hình nào hay hơn thì trình và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ tham gia ý kiến. Sắp tới Bộ Chính trị cũng sẽ nghe về mô hình này, Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm.
Tiếp theo, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường sự tham gia của người dân vào việc giám sát hoạt động quản lý của các cơ quan và cán bộ, công chức nhà nước, vào việc xây dựng chính sách, củng cố tổ chức bộ máy nhà nước. Qua đó, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả của các cấp chính quyền cũng như tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
"Đừng vì những vụ việc cụ thể sai phạm trước đây để ảnh hưởng đến tư tưởng và hành động của các ngành các cấp. Vì nếu như thế sẽ gây tác động tiêu cực đến môi trường đầu tư, thu hút đầu tư, đến giải quyết những khó khăn các nhà đầu tư đang gặp phải thì sẽ rất khó khăn trong thu hút nguồn lực", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Đà Nẵng cần tránh tâm lý e dè, sợ sai, thấy vụ việc cũ đã và đang xử lý mà không dám làm gì nữa.
"Phải tạo sự đồng thuận, chung sức chung lòng để tiếp tục phát triển, chứ nếu cứ nhìn vào cái sai mà không dám làm cái đúng thì không được, đừng làm sai nữa chứ còn làm đúng thì phải làm để phát triển, nếu không sẽ chững lại. Tôi dùng từ chững lại chứ chưa nói suy giảm còn nếu không làm thì sẽ suy giảm, tôi tin nhân dân sẽ ủng hộ để Đà Nẵng vừa khắc phục yếu kém vừa phát triển thành phố", Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Trước đó, Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cũng đánh giá, tư tưởng, động lực làm việc của cán bộ, công chức, người lao động thành phố có phần giảm sút.
Post a Comment