Kinh tế mạnh, hạ tầng phát triển với sân bay, cảng biển, đường cao tốc...nhưng dịch vụ logistics của Quảng Ninh còn yếu.
Đó là điều "đặc biệt" được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nêu tại Diễn đàn logisitics Việt Nam 2018.
Sự kiện được Bộ Công Thương, Thời báo kinh tế Việt Nam, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Ninh cùng phối hợp tổ chức tại Hạ Long sáng 7/12.
Ông Long cho biết, trong những năm gần đây Quảng Ninh luôn là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam. GRDP năm 2018 của tỉnh ước tăng 11,1%, cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây. Tổng sản phẩm bình quân đầu người GRDP ước đạt 5.110 USD/người/năm, tăng 11,2 % so với cùng kỳ.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn ước đạt 67,6 nghìn tỷ đồng. Năng suất lao động bình quân ước đạt 199,5 triệu đồng/người/năm, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Thu ngân sách nhà nước đạt 40.500 tỷ, trong đó thu nội địa đạt 30.500 tỷ, tăng 10,3% so với cùng kỳ.
Cho biết công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh được đẩy mạnh với nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả, hai chữ đặc biệc được vị lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh với thông tin Quảng Ninh đã vươn lên giành vị trí thứ nhất toàn quốc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, thứ nhất toàn quốc Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2017.
Tỉnh này cũng được tổ chức công nghiệp Điện toán Châu Á - Châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng Chính quyền số ASOCIO, là giải thưởng công nghệ thông tin trao cho cơ quan có đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO.
Điều đặc biệt tiếp theo được Chủ tịch Long nhấn mạnh là trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh đã đặc biệt quan tâm đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược, đầu tư kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính, đào tạo nguồn nhân lực.
Một điểm nổi bật là Quảng Ninh đã dành ngân sách của tỉnh đầu tư các công trình trọng điểm, lan toả và huy động hiệu quả nguồn lực xã hội để đầu tư, nhất là hình thức đối tác công - tư (PPP) cho các công trình, dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ. Như đường cao tốc Hải Phòng - Vân Đồn, Cảng tàu du lịch quốc tế Tuần Châu, nâng cấp Quốc lộ 18A, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Trạm kiểm soát liên ngành và cầu Bắc Luân II, cảng cạn ICD, cầu phao tạm tại Km3+4 ...
Tỉnh cũng đã cải thiện nâng cấp hạ tầng cửa khẩu quốc gia, quốc tế: Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu và sắp tới là triển khai đầu tư dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hầm đường bộ qua vịnh Cửa Lục, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, xây dựng và phát triển khu kinh tế Vân Đồn, Khu công nghiệp Sông Khoai, Khu công nghiệp Nam Tiền Phong kết nối với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng), Khu công nghiệp - cảng biển Hải Hà.....
"Các công trình này đã và sẽ tạo nên một hệ thống giao thông mang tính kết nối cao với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đảm bảo tính liên thông và chuyển tiếp liên tục của hàng hóa trong nước và quốc tế", ông Long nói.
Trong bức tranh tổng thể như vậy, theo Chủ tịch Quảng Ninh thì các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics tỉnh Quảng Ninh cũng phát triển khá nhanh về số lượng và từng bước nâng cao chất lượng. Hệ thống kho, bãi, phương tiên vận chuyển liên tục được đầu tư mới, mở rộng, nâng cấp. Các dịch vụ cung cấp khá đa dạng và hiện đại như: dịch vụ vận tải hàng hóa và hành khách; cho thuê kho, bãi; xếp dỡ hàng hóa; đóng gói bao bì và phân phối sản phẩm; khai thác cảng biển, cảng cạn, dịch vụ khai báo hải quan,.
Những dịch vụ này theo ông Long là cơ bản đáp ứng được yêu cầu lưu chuyển hàng hóa trong và ngoài nước của các doanh nghiệp, đã góp phần quan trọng đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững.
"Tuy nhiên, dịch vụ logistics của Quảng Ninh còn yếu, chưa xứng với tiềm năng cảng biển quốc gia, quốc tế của tỉnh, kinh tế cửa khẩu trên bộ với Trung Quốc", người đứng đầu chính quyền tỉnh nhìn nhận.
Nhìn ra cả nước, ông Long cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế chưa giải quyết được như công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan vẫn chưa có sự kết nối chặt chẽ. Chưa có một cơ quan chỉ đạo, điều hành chung về logistics, chưa phát huy hiệu quả việc kết nối vùng, miền với các nước trong khu vực. Ngành kinh tế hàng hải chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. nhân lực phần nào chưa đáp ứng yêu cầu, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chưa cao...
Post a Comment