Ngày 11/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình và làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hòa Bình về tình hình kinh tế - xã hội địa phương.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đã chứng kiến lãnh đạo tỉnh Hòa Bình trao các quyết định đầu tư, ký kết bản ghi nhớ đầu tư với các doanh nghiệp với tổng số vốn khoảng 94.000 tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn FLC với 5 dự án đầu tư gần 36.000 tỷ đồng vào du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, những lĩnh vực thế mạnh của Hòa Bình.

Thủ tướng chia sẻ, ông đi từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Bình mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ do có đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình. Thủ tướng khẳng định Hòa Bình, người láng giềng chung vách với Hà Nội, đây là điều kiện quan trọng để tỉnh phát triển tiềm năng, thế mạnh của mình.

Theo Thủ tướng, trong 9 "bông hoa" xung quanh Hà Nội thì "bông hoa" Hòa Bình là lớn nhất (tỉnh có diện tích lớn nhất trong các tỉnh vùng Thủ đô). Đây là nơi cung cấp nguồn nước cho Thủ đô, có nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á.

Để Hòa Bình có bước phát triển mạnh mẽ, Thủ tướng gợi ý tỉnh tập trung vào 4 mũi nhọn kinh tế, đây cũng là gợi ý cho các nhà đầu tư.

Một là, xây dựng Hòa Bình thành tỉnh du lịch. Hai là, phát triển nông lâm nghiệp chế biến, ứng dụng công nghệ cao. Cụ thể, phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến gỗ xuất khẩu với 75% diện tích tự nhiên của tỉnh là đất lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng lên đến trên 51%, có khả năng cung cấp khoảng 400.000 m3 gỗ hằng năm.

Tiềm năng phát triển ngành lâm nghiệp còn rất lớn. Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển các nhà máy chế biến gỗ, góp phần đưa Việt Nam trở thành trung tâm đồ gỗ và nội thất của thế giới.

Hòa Bình có rất nhiều sản vật nông nghiệp địa phương, có lợi thế cạnh tranh. Vì vậy, hướng đi cho nông nghiệp ở Hòa Bình theo xu hướng nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng các tiến bộ của khoa học-kỹ thuật vào sản xuất. Mục tiêu của ngành nông nghiệp Hòa Bình trước hết là cung ứng cho vùng Thủ đô và sau đó hướng ra xuất khẩu.

Ba là, phát triển công nghiệp địa phương trong những lĩnh vực giàu tiềm năng. Thủ tướng cho biết, Hòa Bình đã được Chính phủ cho phép triển khai 8 khu công nghiệp. Hòa Bình cần hướng vào các ngành chế biến chế tạo nhằm giải quyết việc làm và không ảnh hưởng đến môi trường.

Bốn là, phát triển đô thị là một động lực phát triển của Hòa Bình với những khu đô thị xanh, sinh thái, hiện đại, bảo đảm môi trường sống tốt nhất.

Để hướng vào các mũi nhọn kinh tế trên, Thủ tướng gợi ý, Hòa Bình cần phát huy lợi thế về địa chiến lược của Vùng Thủ đô, tuyến cao tốc Láng-Hòa lạc được ví như "hành lang kinh tế Đông-Tây" nối Hà Nội-Hòa Bình. Tuyến Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới không chỉ cho Hòa Bình, mà cả các tỉnh Tây Bắc.

Thủ tướng đề nghị tỉnh cần tiếp tục làm tốt công tác tiếp xúc nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thu hút các "sếu lớn" đến với địa phương. Đồng thời, Hòa Bình cần chủ động có phương án tái bố trí dân cư theo hướng tập trung theo cụm nhằm tăng hiệu quả đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt bảo đảm an toàn cho người dân mùa mưa lũ.

Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để thành công ở Hòa Bình, ở Việt Nam.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top