Gửi chất vấn đến Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Quốc hội Quàng Thị Vân (Điện Biên) nêu, một bác sỹ để có thể hành nghề được tại cơ sở y tế thì phải mất ít nhất 9 năm đào tạo.
Trong khi đó quá trình học tập và làm việc luôn phải trực tiếp tiếp xúc và phơi nhiễm với môi trường độc hại, bệnh tật lây truyền ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của họ.
Đại biểu cũng nêu thực tế vì thu nhập không tương xứng với công sức và sự cống hiến nên nhiều bác sỹ đã bỏ bệnh viện công ra làm tại các bệnh viện tư, gây thiếu hụt đội ngũ bác sỹ có tay nghề trong cơ sở công lập, đặc biệt là ở các tỉnh miền núi.
Phản ảnh cử tri ngành y tế mong muốn được nâng mức lương khởi điểm và đặc biệt là được hưởng phụ cấp thâm niên nghề, đại biểu đề nghị Thủ tướng quan điểm của Chính phủ về kiến nghị trên và sớm có giải pháp về chế độ chính sách để khuyến khích cán bộ ngành y tế.
Trả lời chất vấn của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, viên chức ngành y tế được áp dụng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước ban hành kèm theo nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, đồng thời được hưởng chính sách ưu đãi đặc thù ngành y tế.
Gồm, phụ cấp ưu đãi theo nghề y tế quy định tại nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ; phụ cấp đặc thù quy định tại quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ và chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn quy định tại nghị định số 64/2009/NĐ-CP ngày 30/7/2009 của Chính phủ và phụ cấp thu hút, phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, trợ cấp lần đầu, trợ cấp chuyển vùng, trợ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và sạch; trợ cấp một lần khi chuyển công tác ra khỏi vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn hoặc nghỉ hưu.
Trong các ưu đãi còn có thanh toán tiền tàu xe và trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quy định tại nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Ngoài ra, theo quy định tại nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập, thì các đơn vị sự nghiệp y tế được tự chủ về các khoản thu, mức thu theo quy định của cơ quan có thẩm quyền và được tự chủ trả lương cho viên chức và người lao động thuộc phạm vi quản lý, được trích quỹ để chi trả tiền lương tăng thêm, chi trả cho chuyên gia, thầy thuốc giỏi.
Như vậy, viên chức ngành y tế đã được hưởng tổng thu nhập (bao gồm tiền lương theo bậc trong chức danh nghề nghiệp viên chức, các loại phụ cấp lương và thu nhập tăng thêm từ nguồn thu sự nghiệp) là có cải thiện hơn so với nhiều ngành, nghề khác, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với ngành y tế, văn bản trả lời chất vấn nêu rõ.
Theo Thủ tướng thì chế độ tiền lương từ năm 2003 đến nay đã phát sinh nhiều hạn chế, chính vì vậy, Ban Cán sự đảng Chính phủ đã xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp trình Hội nghị Trung ương 7 Khóa 12 và đã thông qua tại nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018. Trong đó đã xác định nội dung cải cách: "Xây dựng, ban hành hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo thay thế hệ thống bảng lương hiện hành; chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng".
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16/8/2018 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết số 27-NQ/TW và chế độ tiền lương mới thực hiện từ năm 2021, Thủ tướng hồi âm đại biểu.
Post a Comment