Cắt giảm điều kiện kinh doanh, bãi bỏ giấy phép con, hành lang pháp lý cho đối tác công - tư, thực thi Luật An ninh mạng... vẫn là những vấn đề khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại.

Chiều 3/12, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và ông Tomaso Andreatta, Đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã có buổi trao đổi với báo chí về VBF 2018.

Sự kiện này sẽ diễn ra sáng 4/12 tại Hà Nội với chủ đề "Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu", tập trung vào ba phiên thảo luận chính. Gồm các phiên: nguồn lực đầu tư cho cơ sở hạ tầng, nâng cao kiến thức phục vụ ngành công nghiệp hiện đại và khắc phục những trở ngại đối với doanh nghiệp.

Những vấn đề nói trên, theo hai vị Đồng chủ tịch sẽ được bàn thảo sâu trong bối cảnh cải cách môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả quan trọng song vẫn nhiều vấn đề khiến doanh nghiệp lo ngại.

Điểm sáng được ông Tomaso nhấn mạnh với báo chí là Việt Nam đang làm rất tốt việc chống tham nhũng, không có giới hạn, với nhiều chế tài, biện pháp được áp dụng để giải quyết nạn tham nhũng.

Còn theo Chủ tịch VCCI thì bức tranh kinh tế của Việt Nam khá lạc quan, có thể tin tưởng là 2019 kinh tế vẫn phát triển thuận lợi. Ông Lộc cũng cho biết theo một số nghiên cứu mới đây thì Việt Nam đang dẫn đầu các nước triển vọng thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất, với niềm tin đượ các nhà đầu tư gửi gắm vào sức sống của các hiệp định thương mại tự do đã và sắp được ký kết.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung có thể leo thang cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam, một bộ phận doanh nghiệp Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á và Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, ông Lộc nhìn nhận.

Tuy nhiên, tất cả vẫn chỉ là cơ hội, chìa khóa để tận dụng xu thể chuyển dịch thương mại toàn cầu vẫn phụ thuộc vào nỗ lực cải cách thể chế trong nước, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh và khái quát, cắt giảm điều kiện kinh doanh, bãi bỏ giấy phép con, hành lang pháp lý cho đối tác công - tư, thực thi Luật An ninh mạng... vẫn là những vấn đề khiến cộng đồng doanh nghiệp lo ngại.

Trả lời câu hỏi của VnEconomy về kết quả quan trọng nhất trong cải cách thể chế từ VBF giữa kỳ (tháng 7/2018) đến nay, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh hai điểm rất quan trọng.

Thứ nhất là cuộc cách mạng chưa từng có với yêu cầu cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Và đến 31/10 thì yêu cầu này đã hoàn thành trên văn bản, nếu đi vào thực thi thật tốt thì sẽ cởi trói cho doanh nghiệp, loại bỏ được nhiều giấy phép con, đấy là yêu cầu rất quan trọng, ông Lộc nói.

Điểm thứ hai cũng rất quan trọng là Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đã hoàn tất phần đàm phán, rà xét, trình lên Hội đồng Châu Âu để ký kết và phê chuẩn. Quốc hội Việt Nam cũng đã thông qua CPTPP, là động lực để cải cách thể chế, không phải chỉ thể chế kinh tế đơn thuần mà còn liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như lao động, việc làm...

Hai yếu tố trên cộng hưởng tạo nên kết quả quan trọng bậc nhất trong cải cách môi trường kinh doanh, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông Lộc nhìn nhận, cải cách thể chế, giấy phép con vẫn là vấn đề muôn thuở, khi mà đến nay vẫn có khoảng cách giữa báo cáo của các cơ quan chính quyền và cảm nhận của doanh nghiệp về cải cách. Làm thế nào để khép lại khoảng cách đó là vấn đề rất quan trọng, theo báo cáo thì chính quyền đã làm hết sức mình nhưng cộng đồng doanh nghiệp và người dân không cảm nhận được điều đó, ông Lộc nói.

Về những lo ngại với việc thực thi Luật An ninh mạng, một trong các vấn đề được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và bày tỏ lo ngại, ông Lộc cho biết rất hoan nghênh Bộ Công an đã kéo dài thời gian lấy ý kiến về nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật.

Chúng tôi sẽ trao đổi cởi mở với ban soạn thảo nghị định để vẫn đảm bảo yêu cầu về an ninh mạng nhưng không cản trở hoạt động kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, ông Lộc trao đổi.

Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh việc tạo khung khổ cho thúc đẩy nền kinh tế số là quan trọng và tin rằng Luật An ninh mạng sẽ đóng góp vào quá trình này.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top