Trong 100 tấn sợi, doanh nghiệp dệt may có quyền vi phạm 10 tấn liên quan đến xuất xứ vẫn được hưởng ưu đãi. Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng. Còn nếu tính về giá trị, nhiều ngành hàng vẫn được hưởng chính sách này, tuy nhiên, không áp dụng với một số nguyên liệu sử dụng để sản xuất bơ sữa và các sản phẩm bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả và một số loại dầu ăn.
Thông tin đáng chú ý này được chuyên gia đưa ra tại Hội thảo CPTPP với doanh nghiệp Việt, lợi ích hay thách thức tổ chức sáng 18/8.
Đề cập đến Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) về mặt tổng thể, bà Phạm Quỳnh Mai, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên - Bộ Công Thương, nhận định, CPTPP giúp củng cố, nâng cao vai trò của Việt Nam trong mắt cộng đồng kinh doanh, đầu tư quốc tế.
Về kinh tế, bà Mai cho rằng, Hiệp định tạo động lực thúc đẩy mở cửa, phát triển mở cửa thị trường. Với vai trò là nước tham gia xây dựng hiệp định CPTPP, Việt Nam có nhiều lợi thế hơn so với các doanh nghiệp khác với hàng loạt hàng rào thuế quan được xóa bỏ. Dù không còn Mỹ, CPTPP vẫn chiếm quy mô thị trường khoảng 13,5% GDP toàn cầu.
Bên cạnh đó, CPTPP còn thúc đẩy cải cách, tạo thuận lợi cho kinh doanh, xóa bỏ rào cản thương mại. Việt Nam có thể tích cực áp dụng cam kết để mở rộng thị trường. Khi Hiệp định có liệu lực, hàng triệu việc làm được tạo ra cho người lao động, giúp xóa đói giảm nghèo.
CPTTP mang đến nhiều lợi thế song cũng không ít thách thức đặt ra cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài những mặt hàng có thế mạnh, Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng một số mặt hàng như thực phẩm, ôtô... và nếu không cạnh tranh được, doanh nghiệp sẽ phả sản.
Phân tích Hiệp định CPTPP ở những khía cạnh cụ thể hơn, tại bài tham luận về Quy tắc xuất xứ hàng hóa, bà Bùi Kim Thùy, nguyên thành viên đoàn đàm phán CPTPP của Việt Nam, đại diện Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, đã đưa ra những ví dụ rất thiết thực và dễ hiểu về Hiệp định này.
Theo đó, bà Thùy cho biết, Việt Nam đã và đang tham gia 16 hiệp định thương mại tự do (FTA). Trong đó, 12 FTA đã ký như ATIGA, ASEAN- Trung Quốc, ASEAN- Hàn Quốc,... và 4 FTA đang đàm phán như RCEP, Việt Nam- Israel...
Bà Thùy cho rằng CPTPP là một FTA toàn diện, trong đó quan trọng nhất và nổi bật nhất là những đàm phán về thuế liên quan chặt chẽ đến cam kết quy tắc xuất xứ. Vai trò của đàm phán thuế quan và đàm phán Quy tắc xuất xứ có vai trò quan trọng như nhau, như hai chân song hành.
"Chỉ khi vượt qua được các đòi hỏi về nguyên tắc xuất xứ thì các mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường mới được hưởng mức thuế ưu đãi. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có ý thức tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ để có thể xuất khẩu hàng hóa", bà Thùy nhấn mạnh.
Theo đó, quy tắc xuất xứ sẽ xác định hàng hóa nhập khẩu đủ điều kiện để có thể được hưởng ưu đãi thuế quan hay không, đồng thời đảm bảo sự cân bằng giữa "thuận lợi hóa thương mại" và "phòng tránh gian lận thương mại".
Bên cạnh đó, cũng cần đo mức độ tận dụng ưu đãi FTA với các thành viên. Cụ thể, khi nhìn vào tổng kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam đến quốc gia nào đó, nhà làm chính sách cần xác định có bao nhiêu % trong đó được hưởng thuế quan.
"Chẳng hạn, với kim ngạch xuất khẩu hơn 35 tỷ USD vào Mỹ năm ngoái, chúng ta cần đo được trong số đó, Việt Nam được giảm thuế quan như thế nào", bà Thùy nói.
Theo bà Bùi Kim Thùy, không riêng Việt Nam, nhiều quốc gia cũng chỉ được giảm thuế quan rất ít.
Từ việc đo mức độ ưu đãi, cơ quan quản lý cần điều chỉnh chính sách để hưởng ưu đãi nhiều hơn. Nếu đáp ứng quy tắc xuất xử ưu đãi, các nước sẽ được cấp C/0 ưu đãi. Đây mới là giấy thông hành, cam kết pháp lý quan trọng nhất để được hưởng ưu đãi thuế quan.
Nói về tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA 2017 của Việt Nam, bà Bùi Kim Thùy cho biết, không có nhiều hiệp định mà tỷ lệ tận dụng ưu đãi FTA cao, hầu hết dừng lại ở 30%, chỉ có một số ít tỷ lệ tận dụng cao như với Chile là 69%, nhưng kim ngạch xuất khẩu lại nhỏ, chưa đến 1 tỷ USD (0,68 tỷ USD).
"Vậy chúng ta đặt ra bài toán quy tắc xuất xứ lỏng/linh hoạt, cho phép doanh nghiệp được chọn vài quy tắc thay vì một, để dễ dàng đáp ứng tiêu chí xuất xứ. Nhưng điều này dẫn đến việc không khuyến khích được việc sử dụng nguyên liệu trong phạm vi FTA. Từ đó không nâng cao được hàm lượng giá trị gia tăng ở lại với quốc gia xuất khẩu".
Còn với quy tắc xuất xứ chặt (của CPTPP), nhằm tránh những thành viên không thuộc Hiệp định mà lại được hưởng lợi ích như thuộc Hiệp định.
Bàn thêm về quy tắc xuất xứ của CPTPP, bà Thùy cho biết xuất xứ thuần túy được hiểu trong các FTA cũ là 100% các nguyên vật liệu tạo nên sản phẩm phải nằm toàn bộ trong quốc gia đó. Bà Thùy lấy ví dụ như Lào là quốc gia không có biển, không sản xuất được muối, nên nếu xuất khẩu cá ướp muối thì sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan.
Đây chính là quy tắc xuất xứ chặt để ngăn chặn các quốc gia không phải là thành viên của Hiệp định tận dụng các ưu đãi thuế, hay còn được gọi là "free rider".
Về yếu tố cộng gộp trong CPTPP, nguyên liệu nhập khẩu không đạt xuất xứ CPTPP nhưng có giá trị gia tăng trong CPTPP (dù chỉ 1%). Khi đó, số phần trăm giá trị gia tăng thực tế của nguyên liệu đó sẽ được cộng gộp để tính hàm lượng CPTPP trong sản phẩm được sản xuất tại nước xuất khẩu sản phẩm đó.
Để minh chứng cho điều này, vị chuyên gia lấy ví dụ, một gói cà phê khi được sản xuất tại Biên Hòa lấy cà phê từ Buôn Mê Thuôt, sữa từ Mộc Châu, đường từ Quảng Ngãi. Bốn tỉnh này đều nằm trong lãnh thổ Việt Nam.
Trong khi đó, CPTPP coi mỗi quốc gia trong Hiệp định là một tỉnh và CPTPP không cần chỉ số RCV (Regional Value Content) phải đạt 40% như các FTA khác. Kể cả 15, 20% vẫn được cấp C/O bình thường. Khi về đến hải quan, hải quan hiểu rằng sẽ được cộng gộp.
"Đây là yếu tố linh hoạt đặc biệt tốt cho chuỗi cung ứng, đối với các ngành sản xuất, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, không có đủ nguồn lực như các doanh nghiệp lớn", bà Thùy cho biết.
Với các Hiệp định cũ, 39% cũng không được cộng gộp nhưng riêng với CPTPP được phép cộng gộp dù chỉ 1%.
Một thông tin đáng chú ý khác được bà Kim Thùy đưa ra trong bài phát biểu là quy tắc linh hoạt cho phép thành phẩm dù vi phạm xuất xứ 10% nhưng vẫn có ưu đãi thuế quan đặc biệt.
Tiêu biểu như ngành sợi, có xuất xứ được phép chiếm không quá 10% trọng lượng vải sử dụng để tạo nên thành phẩm. Ví dụ, trong 100 tấn sợi, doanh nghiệp dệt may có quyền vi phạm 10 tấn vẫn được hưởng ưu đãi. Quy tắc này chỉ áp dụng duy nhất trong ngành dệt may về trọng lượng.
Còn nếu tính về giá trị, nhiều ngành hàng vẫn được hưởng chính sách này. Tuy nhiên, không áp dụng với một số nguyên liệu sử dụng để sản xuất bơ sữa và các sản phẩm bơ sữa, một số loại nước ép hoa quả và một số loại dầu ăn.
Ngoài ra, cơ chế C/O hiện tại yêu cầu nhà xuất khẩu nộp hồ sơ xin cấp C/O từ cơ quan, tổ chức đươc Chính phủ ủy quyền cấp, sau đó chờ từ 4h đến 3 ngày làm việc để có được C/O, cộng thêm các loại phí, lệ phí.
"Khi gia nhập CPTPP doanh nghiệp có thể tự chứng nhận xuất xứ do nhà xuất khẩu nhà nhập khẩu được ủy quyền tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm được sản xuất hoặc do mình sở hữu, nhờ đó có thể chủ động trong các thủ tục liên quan đến C/O, không mất thời gian chờ đợi cũng như lệ phí", bà Thùy cho biết.
Kết thúc bài diễn giải của mình, bà Thùy cho rằng, trong thời gian 30 phút không thể nói hết và cũng rất khó để khẳng định CPTPP có lợi ích hay là thách thức đối với Việt Nam. Ngay với dệt may, nhiều người cho rằng là ngành hưởng lợi nhiều nhất, nhưng thực tế theo bà Thùy, còn phải xét đến những nhóm nhỏ trong dệt may mà cần phải nghiên cứu, phân tích, mổ xẻ rất nhiều.
Quan trọng nhất theo vị chuyên gia này là các doanh nghiệp cần phải chủ động tiếp cận thông tin, tìm hiểu chính xác những tác động hay lợi ích đến lĩnh vực mà mình đang kinh doanh để nắm bắt được cơ hội từ CPTPP.
Post a Comment