Tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) dự báo tại báo cáo kinh tế vĩ mô vừa được thực hiện.
GDP 2019 có thể đạt 6,93%
Theo dự báo tại đây, tăng trưởng kinh tế năm 2019 ước đạt 6,93%. Tăng trưởng xuất khẩu dự báo ở mức 9,4%. Thặng dư thương mại ở mức 2,04 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng (bình quân năm 2019 so với bình quân năm 2018) là khoảng 3,88%.
Nhóm nghiên cứu của CIEM cho rằng diễn biến kinh tế vĩ mô trong năm 2019 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc còn diễn biến khó lường, do còn phụ thuộc vào khả năng đàm phán thương mại (và mức độ thực chất của kết quả, nếu có) giữa Mỹ và Trung Quốc.
Việt Nam không nên quá lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, bởi cả hai bên đều biết cạnh tranh quyền lực giữa hai bên không chỉ nằm ở vấn đề thương mại.
Bản thân Trung Quốc cũng hiểu nhượng bộ với Mỹ là không đủ để kết thúc chiến tranh thương mại, và cũng hiểu nhượng bộ với Mỹ là không đủ để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài.
"Cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc còn tiếp diễn, buộc Việt Nam phải cân nhắc thấu đáo hơn trong tham gia các sáng kiến cho hai nước này dẫn dắt", báo cáo nêu kiến nghị.
Tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính
Bên cạnh nhấn mạnh thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô báo cáo cũng nêu nhiều kiến nghị chính sách kinh tế vĩ mô.
Đó là, thường xuyên đánh giá các diễn biến theo chu kỳ của tăng trưởng kinh tế và rủi ro tác động từ môi trường kinh tế bên ngoài năm 2019. Tái khẳng định ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, tạo dựng thêm dư địa cho điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt để ứng phó với các diễn biến bất lợi của kinh tế thế giới và khu vực.
Không nên quá kỳ vọng vào kịch bản có thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung, vẫn phải chuẩn bị cho trường hợp căng thẳng tiếp diễn để có các ứng phó phù hợp, nhóm nghiên cứu lưu ý.
Về chính sách tiền tệ, kiến nghị của báo cáo là sớm ban hành chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tài chính, giảm tệ nạn tín dụng đen.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung chính sách về tài chính số (gồm cả ngân hàng số và chứng khoán số) để có biện pháp ứng xử, quản lý phù hợp đối với tiền ảo, tiền điện tử, tiền kỹ thuật số.
Các tác giả báo cáo cũng khuyến nghị tránh yêu cầu giảm lãi suất cho vay một cách hành chính, nhằm tạo thêm sự linh hoạt khi ứng phó với các diễn biến bất lợi trên thị trường tài chính thế giới.
Đồng thời, tiếp tục dành ưu tiên cao nhất cho việc tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và cải thiện chất lượng nợ xấu. Rà soát hành vi cạnh tranh của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng thương mại yếu kém nhằm tránh méo mó đối với diễn biến lãi suất.
Nhóm nghiên cứu của CIEM cũng cho rằng cần điều hành chính sách tiền tệ thận trọng và định hướng chính sách hỗ trợ ổn định lạm phát, thị trường tài chính, duy trì thanh khoản hợp lý, kiểm soát tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro (bất động sản, chứng khoán...). Đánh giá thấu đáo hơn thực trạng tín dụng tiêu dùng để có chính sách, quy định phù hợp.
Khuyến nghị tiếp theo là tiếp tục thông tin định kỳ với thị trường về công tác điều hành tỷ giá. Truyền thông về các đánh giá, kiến nghị liên quan đến chính sách tỷ giá cần được thực hiện rõ ràng, trung tính hơn. Tránh đề ra các mục tiêu "cứng" đối với công tác điều hành tỷ giá.
Theo dõi sát diễn biến tỷ giá đồng USD, NDT, Euro cũng như giá cả một số mặt hàng quan trọng trên thị trường thế giới để điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, chặt chẽ nhằm hạn chế tác động đối với lạm phát và môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam.
Nằm trong kiến nghị về chính sách tiền tệ còn có điều hành linh hoạt thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại để hỗ trợ cho hoạt động tín dụng, phát hành trái phiếu chính phủ, phòng ngừa và ứng phó với biến động của dòng vốn đầu tư gián tiếp và kiều hối.
Post a Comment