"Cách đây 8 tháng, chúng tôi đã nghĩ Việt Nam sẽ bị xáo trộn bởi những biến động thương mại thế giới. Nhưng WB đã phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng năm 2018 vào những ngày cuối năm", ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng về một năm vượt khó của nền kinh tế Việt Nam.
Điều gì đã khiến WB phải điều chỉnh dự báo tăng trưởng của năm 2018, thưa ông?
Đó là khả năng biến khó khăn thành thuận lợi và tận dụng tốt cơ hội của các bạn. Vì thế, trong bản Báo cáo Điểm lại tình hình kinh tế do WB phát hành vào giữa tháng 12/2018, chúng tôi dự báo tăng trưởng cả năm 2018 là 6,8%, cao hơn so với con số dự báo được đưa ra trong bản báo cáo công bố cách đây 8 tháng là 6,5%.
Dù chịu tác động từ những biến động của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng cả năm vẫn rất khả quan. Việt Nam đã có một năm tăng trưởng kinh tế thành công, như thành công của Đội tuyển bóng đá tại giải AFF Cup 2018.
Ông ấn tượng với điều gì nhất trong bức tranh kinh tế năm 2018 của Việt Nam?
Đó là Việt Nam vẫn giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh quốc tế và trong nước có nhiều yếu tố bất định và không thuận lợi. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục có những diễn biến khó lường, hàng loạt quốc gia có mức thu nhập trung bình như Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina... đều rơi vào khó khăn.
Trong khi đó, ở trong nước, trần nợ công và khung đầu tư trung hạn là những yếu tố cản trở việc triển khai những dự án lớn đem lại hiệu quả cho nền kinh tế.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực của Chính phủ trong suốt 12 tháng của năm 2018, sức chống chịu của nền kinh tế với các cú sốc bên ngoài đã tốt lên rất nhiều, những biện pháp thúc đẩy tăng trưởng dần phát huy hiệu quả, tình hình vĩ mô được giữ ổn định.
Đây là những yếu tố nền tảng, tiền đề giúp Việt Nam đứng vững trong bối cảnh khó khăn và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với việc vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam liên tục tăng.
Dù có những đánh giá khá cao về nền kinh tế Việt Nam song báo cáo Doing Business 2019 được WB công bố gần đây cho thấy, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam lại bị tụt hạng, thưa ông?
Chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam bị tụt 1 bậc trong bảng xếp hạng này, đứng thứ 69/190 nền kinh tế với 66,77 điểm trên thang 100 trong khi năm ngoái Việt Nam ở vị trí thứ 68/190 với số điểm 67,93/100.
Việt Nam tụt hạng không phải bởi Việt Nam không có thay đổi, không có cải thiện. Doing Business là cuộc đua giữa các nền kinh tế, giữa các Chính phủ để có những giải pháp hiệu quả nhằm hướng tới những thay đổi tốt hơn. Việt Nam chạy nhưng các nước khác còn chạy nhanh hơn.
Có rất nhiều chỉ số thành phần Việt Nam có thể thay đổi như thứ hạng của thủ tục phá sản, nộp thuế... Nếu làm được, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam chắc chắn sẽ được cải thiện.
WB nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam cho thấy WB tỏ ra lạc quan với triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Vậy đâu là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt giải quyết, thưa ông?
Theo báo cáo mới nhất mà WB công bố, tăng trưởng GDP năm 2018 của Việt Nam ở mức 6,8%, sau đó sẽ giảm xuống các mức 6,6% và 6,5% vào các năm 2019 và 2020. Dù giảm dần ở các năm sau nhưng đây là xu thế giảm chung của nền kinh tế khu vực và thế giới. Chúng tôi vẫn lạc quan với triển vọng của nền kinh tế Việt Nam bởi mức tăng trưởng dự báo của Việt Nam vẫn nằm Top của khu vực.
Tuy nhiên, tăng trưởng giảm trong các năm tiếp theo cho thấy sự hiện diện của những rủi ro trong nền kinh tế. Theo tôi, bối cảnh thương mại thế giới là vấn đề cần được đặc biệt chú ý. Xu hướng toàn cầu đang đi như thế nào, Việt Nam cần chuẩn bị gì để đáp ứng và tận dụng xu hướng là những câu hỏi cần có câu trả lời. Việt Nam cần tiếp tục tiến trình cải cách, đặc biệt trong vấn đề xử lý nợ xấu. Nếu làm tốt, tăng trưởng của Việt Nam có thể vượt qua con số dự báo.
Nhưng theo tôi, ở thời điểm hiện nay, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng tăng trưởng hơn là con số tăng trưởng. Đó phải là chất lượng cải cách, chất lượng cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng đầu tư, chất lượng của đổi mới và sáng tạo...
Thay vì thu hút FDI ồ ạt, Việt Nam sẽ lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực khoa học công nghệ, công nghệ cao, năng lượng mặt trời, sinh hoá... Nông nghiệp phải theo hướng phát triển nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị sản phẩm. Hạ tầng phải đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp từ vấn đề điện, nước thải tới thoát nước...
Ông đã lưu ý Việt Nam cần trả lời 2 câu hỏi về xu hướng thương mại toàn cầu để có thể tận dụng cơ hội cũng như vượt qua tác động. Theo WB, xu hướng này tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?
Chủ nghĩa bảo hộ leo thang có thể tác động đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam theo các cách khác nhau. Tăng thuế quan làm tăng chi phí đầu vào cũng như sản phẩm cuối cùng, từ đó làm suy giảm lưu lượng thương mại toàn cầu và GDP toàn cầu.
Tác động trực tiếp của thuế quan như hiện nay được cho là tương đối nhỏ, do phạm vi còn hạn chế. Tuy nhiên, cảm giác bất định tăng lên trong môi trường đầu tư và thương mại toàn cầu có thể dẫn đến những tác động lớn hơn như dòng vốn tháo chạy ra khỏi các thị trường mới nổi, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn sâu sắc hơn cùng viễn cảnh suy giảm FDI.
Là một trong những nền kinh tế mở cửa mạnh nhất trên thế giới, Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động đó. Mặc dù Việt Nam không phải là đối tượng của các biện pháp thương mại trực tiếp từ Mỹ và có thể trước mắt còn hưởng lợi do tình trạng chuyển hướng thương mại ra khỏi Trung Quốc và Mỹ nhưng Việt Nam đang phải chịu nguy cơ khi tranh chấp thương mại có khả năng leo thang thông qua các tác động gián tiếp như suy giảm nhu cầu bên ngoài và FDI.
Có những con số tính toán nào dự báo tác động từ những rủi ro này đối với nền kinh tế Việt Nam không, thưa ông?
WB xây dựng 3 kịch bản khác nhau cho tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam tuỳ vào phạm vi của các biện pháp bảo hộ thương mại.
Ở kịch bản thứ nhất, lợi ích chủ yếu tập trung ở các ngành điện tử do Mỹ áp thuế đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo đó, GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng khoảng 0,1%.
Ở kịch bản thứ hai, với giả định thuế quan 25% đối với toàn bộ thương mại song phương giữa Mỹ và Trung Quốc, lợi ích mà Việt Nam thu được chủ yếu do chuyển hướng thương mại chủ yếu tập trung ở ngành dệt may do sản phẩm cuối cùng được ưu đãi trong tiếp cận thị trường Mỹ. Song nhiều ngành khác phải chịu tác động tiêu cực do giảm nhu cầu về nguyên liệu và sản phẩm trung gian. GDP lúc này tăng 1,1% và xuất khẩu tăng 2,9%.
Ở kịch bản thứ 3, cùng với giả định trên, lợi ích Việt Nam thu được sẽ ít hơn so với tác động bất lợi do hoạt động đầu tư toàn cầu suy giảm, trong đó hàng hoá vốn và hàng hoá trung gian bị ảnh hưởng nhiều nhất, bao gồm tài nguyên, hoá chất, cao su và nhựa, kim loại, thiết bị giao thông, máy móc và thiết bị xây dựng. Vì vậy, GDP sẽ giảm mạnh đến 0,6% trong khi xuất khẩu chỉ tăng 0,2%.
Trong bối cảnh này, ông có khuyến nghị nào đối với Việt Nam?
Trình trạng bất định hiện nay về môi trường đầu tư và thương mại toàn cầu cho thấy nhu cầu phải củng cố lại một số định hướng chính sách, trong đó có nhiều biện pháp chính sách có thể đem lại lợi ích cho Việt Nam cho dù chiến tranh thương mại có tiếp diễn hoặc tiếp tục leo thang hay không.
Thứ nhất, Việt Nam cần củng cố khả năng chống chịu về kinh tế vĩ mô. Khung chính sách kinh tế vĩ mô phải đảm bảo khả năng ứng phó và hứng chịu được các cú sốc, bao gồm cú sốc do xáo trộn thương mại toàn cầu gây ra. Điều quan trọng là cần duy trì chính sách tiền tệ ứng phó và tỷ giá linh hoạt để tạo lớp đệm cần thiết.
Thứ hai, tăng cường năng lực cạnh tranh. Các yếu tố để tạo thuận lợi thương mại thành công là ban hành khung thể chế và chính sách tốt, cải thiện dịch vụ vận tải hạ tầng, đơn giản hoá thủ tục quy định kèm theo những nỗ lực lớn để chiếm lĩnh các khâu đem lại giá trị gia tăng lớn hơn trong các chuỗi cung ứng.
Thứ ba, xử lý ngăn ngừa khả năng gây méo mó về thương mại. Cùng với biện pháp bảo hộ mậu dịch, quan ngại về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường cho các ngành dịch vụ, các thông lệ đấu thầu của khu vực công cùng hàng loạt những rào cản phi thuế quan như trợ cấp... ngày một gia tăng.
Tuy nhiên, trong những hiệp định thương mại tự do gần đây, bao gồm cả CPTPP và EVFTA, Việt Nam đã cam kết xử lý phần méo mó tiềm năng đó. Nếu được triển khai nhanh chóng và nhất quán, Việt Nam sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Thứ tư, đẩy mạnh hội nhập khu vực. Quan điểm chính sách thương mại bất định của Mỹ càng cho thấy tầm quan trọng của việc theo đuổi hội nhập khu vực. Các điều kiện cần để hoàn tất triển khai đầy đủ Cộng đồng Kinh tế ASEAN có thể chưa chắc cuối cùng đã được đáp ứng trong khi Trung Quốc có thể sẽ đẩy mạnh quá trình hoàn thành Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Trong khi đó CPTPP và EVFTA là hai hiệp định được kỳ vọng là những hiệp định lớn tác động tới kinh tế và cải cách trong nước.
Post a Comment