"Tôi muốn nhắc đến một câu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là, 'không thể có cách mạng, có kỳ tích khi việc gì cũng bình bình'. Thực tế chứng minh, như với ngành nông nghiệp, khi Thủ tướng dồn dập thúc ép, ngành này đã vượt lên được chính mình, từ mức tăng trưởng âm lên mức cao nhất trong 7 năm qua", Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ chia sẻ.
Cảm nhận rõ trong từng hơi thở cuộc sống
Tràn đầy năng lượng tích cực, say mê với từng bước chuyển tình hình phát triển kinh tế của đất nước, năm nào cũng vậy, dường như mỗi khi Tết đến Xuân về là ông có rất nhiều điều muốn nói?
Vào thời khắc năm cũ qua đi, đón chào năm mới, ai trong chúng ta cũng có những giây phút bồi hồi cùng nhìn lại. Dù chúng ta là ai, ở vị trí nào, làm gì, cũng luôn phải có sự say mê và khát vọng cống hiến cho đất nước thì đến khi nhìn lại, mới cảm nhận rõ được sự chuyển mình của đất nước và bản thân chúng ta. Các quốc gia hùng cường cũng là bởi mỗi người dân đều có khát vọng cống hiến, như lời một bài hát của Đoàn Thanh niên "đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay".
Là một thành viên Chính phủ, được Thủ tướng phân công phụ trách lĩnh vực kinh tế vĩ mô, lại xuất thân là thầy giáo, nghiên cứu, giảng dạy ở lĩnh vực kinh tế, tài chính, nên nếu có tràn đầy năng lượng tích cực với tình hình phát triển kinh tế của đất nước cũng là điều dễ hiểu, vì trước hết, đó là lĩnh vực tôi gắn bó bằng tâm huyết, nhiệt huyết của cả thời tuổi trẻ và bây giờ cũng vậy.
Sau nữa, là bởi, nền kinh tế của chúng ta đang tốt lên, không phải theo từng năm, mà theo từng tháng, từng quý. Không chỉ ở những con số thống kê, ở những báo cáo, mà có thể cảm nhận rõ trong từng hơi thở cuộc sống.
Như khi tôi đến bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu hồi cuối năm vừa rồi, nơi là bản làng của 123 hộ người Mông, nằm ngang lưng đỉnh núi Sơn Bạc Mây, quanh năm mây trắng phủ, từng người dân ở đây nét mặt rạng rỡ như hoa đào, hoa mận nở vào mùa Xuân trên quê hương họ.
Kinh tế phát triển tạo điều kiện cho Chính phủ có nhiều dư địa hơn nữa để phát triển nông thôn. Biết tận dụng lợi thế về thiên nhiên tươi đẹp và sự hỗ trợ của Nhà nước đã giúp người Mông ở Sin Suối Hồ làm giàu, lan ra nhiều bản, làng khác ở Tam Đường và một số huyện của Lai Châu...
Mặc dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng thực tiễn cuộc sống phong phú, đa dạng và giàu tiềm năng như vậy luôn thôi thúc không chỉ mình cá nhân tôi mà chắc chắn là với cả nhiều người khác mong muốn đóng góp cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của đất nước, dân tộc.
"Thực tế không thể chối cãi"
Trong các cuộc họp thường kỳ, Chính phủ luôn bàn tới các kế hoạch tăng trưởng kinh tế. Có dư luận cho rằng, vì sốt ruột muốn có thành tích mà Chính phủ thúc tăng trưởng nóng?
Tôi cũng nghe có dư luận nói nền kinh tế tăng trưởng nóng vì Chính phủ sốt ruột, Chính phủ muốn có thành tích. Đúng là có sốt ruột, có muốn thành tích, nhưng tăng trưởng nóng, tăng trưởng bằng mọi giá thì không phải. Chất lượng tăng trưởng cải thiện rõ và con số tăng trưởng chỉ mới ở mức tạm hài lòng, thế sao gọi là nóng?
Chúng ta có thể không sốt ruột không, khi mà, như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nói, một đất nước có thu nhập bình quân đầu người còn thấp như chúng ta thì có gì quá phấn khởi, mà còn là nỗi buồn bực của người làm lãnh đạo. Phải sốt ruột để phát triển kinh tế tốt hơn nữa, cải thiện hơn nữa thu nhập cho người dân.
Muốn có thành tích thì có gì là không tốt? Nếu như đội tuyển bóng đá của chúng ta năm 2018 không đạt được thành tích đoạt ngôi Á quân giải U23 châu Á ở Thường Châu, Trung Quốc, không lọt vào nhóm 4 đội mạnh nhất tại ASIAN Games và không đoạt ngôi vô địch tại AFF Cup sau một thập kỷ chờ đợi, thì có thể làm náo nức hàng triệu trái tim người Việt Nam đến như thế không?
Còn về tăng trưởng nóng, thì là không phải. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ba năm qua tăng khá nhanh. Năm 2018, tăng trưởng kinh tế đạt 7,08% so với năm 2017, mức tăng cao nhất 11 năm qua. Nhưng quy mô của nền kinh tế hiện nay mới có khoảng 5,5 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 240 tỷ USD, con số vẫn còn rất khiêm tốn.
Điều quan trọng hơn là chất lượng tăng trưởng được cải thiện rõ, năng suất lao động tăng gần 6%, đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp lên đến 40,23% và lần đầu tiên, tăng trưởng gấp đôi mức tăng của lạm phát, là thực tế không thể chối cãi được. Vậy thì nóng ở đâu?
Ông có thể phân tích rõ hơn về thực tế không thể chối cãi của chất lượng tăng trưởng?
Công nghiệp khai khoáng giảm gần 4%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng lên trên 12%. Nền kinh tế đã thoát khỏi sự phụ thuộc vào khai thác khoáng sản và tài nguyên khi năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp công nghiệp khai khoáng tăng trưởng âm (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Cùng đó, tín dụng ra ít, đầu tư công ít, nhưng GDP vẫn tăng. Như về tín dụng, vào thời điểm năm 2016, mỗi một phần trăm tăng GDP cần tăng 2,94% tín dụng, năm 2017 con số này là 2,68% nhưng 2018 chỉ là 2,1%. Tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ đạt dưới 14% so với 17-18% của các năm trước trong khi GDP năm 2018 tăng 0,38 điểm phần trăm so với năm 2017.
GDP tăng nhờ tốc độ tăng năng suất lao động. Năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.
Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102 triệu đồng/lao động (tương đương 4.512 USD), tăng 346 USD so với năm 2017. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2018 tăng 5,93% so với năm 2017, bình quân giai đoạn 2016-2018 tăng 5,75%/năm, cao hơn mức tăng 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015.
Cần có sức ép để bứt phá
Chúng ta học hỏi nhiều từ người bạn láng giềng Trung Quốc trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng như với GDP, thì Chủ tịch Tập Cận Bình có chủ trương là, "luận anh hùng không kể GDP". Ông nghĩ sao về điều này?
Trong suốt 3 thập kỷ, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc luôn giữ ở mức tăng trên 10%/năm và đây luôn là thước đo để đánh giá cán bộ, không đạt mức tăng trưởng GDP như vậy đồng nghĩa với việc khó được cất nhắc lên những chức vụ cao hơn.
Đến nay, quốc gia láng giềng này đã không còn dựa vào thành tích GDP để "luận anh hùng" trong điều hành đất nước, là bởi họ đã là nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và theo dự báo của một số tổ chức quốc tế thì đến năm 2030, GDP Trung Quốc có thể đạt 26.000 tỷ USD, cao hơn so với mức 25.200 tỷ USD của Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Đối với chúng ta, Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương phát triển nhanh và bền vững. Chúng ta có nhu cầu phát triển nhanh để không bị tụt hậu, và chúng ta có tiềm năng để phát triển nhanh. Nhưng phát triển nhanh phải đi đôi với phát triển bền vững cả ở 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường. Trong phát triển kinh tế luôn phải đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô lên hàng đầu trong điều kiện độ mở của nền kinh tế của nước ta rất lớn, kinh tế thế giới lại đang bất trắc, khó lường.
Trên thực tế quy mô của nền kinh tế nước ta vẫn còn nhỏ, hơn 240 tỷ USD. Do vậy, nếu không có sức ép thì lấy gì làm động lực tạo nên sự bứt phá vươn lên? Đương nhiên khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế nước ta còn rất lớn, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô đi đôi với duy trì, khơi thông các động lực tăng trưởng luôn là nhiệm vụ trọng tâm, hàng đầu và hết sức nặng nề.
Mọi sự phát triển, muốn có bứt phá, đều cần có sức ép để vượt lên chính mình. Tôi muốn nhắc đến một câu của Thủ tướng là, không thể có cách mạng, có kỳ tích khi việc gì cũng cứ "bình bình". Thực tế cũng đã chứng minh. Như với ngành nông nghiệp, vào thời điểm năm 2016, tăng trưởng âm và xuất khẩu của ngành không bao giờ dám mơ đến con số 40 tỷ USD.
Nhưng khi Thủ tướng dồn dập thúc ép, thì đến năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 7 năm qua, với mức tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung, xuất khẩu lĩnh vực này đạt 40,2 tỷ USD.
Trong phát biểu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2018 vừa qua, Tổng bí thư, Chủ tịch nước đã giao nhiệm vụ là năm 2019 phải khá hơn năm 2018 về mọi phương diện. Đây cũng là động lực và áp lực trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mỗi cán bộ, đảng viên trong năm 2019, không chỉ đối với tăng trưởng kinh tế mà còn phải phát triển toàn diện, hài hoà văn hoá - xã hội và các lĩnh vực khác của đất nước.
Post a Comment