"Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Tỷ giá, lãi suất ổn định. Trong 1 tháng qua, Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối. Con số này đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định rằng, kinh tế 2019 đang tiếp tục khởi sắc".
Hơn 8.000 doanh nghiệp "hồi sinh"
Thông tin được Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều tối 31/1. Tại đây, nhiều nội dung về cuộc họp Chính phủ trước đó cũng như chỉ đạo của Thủ tướng đã đã được Bộ trưởng thông tin lại với báo giới.
Theo đó, về tình hình kinh tế - xã hội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Năm nay, Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2, nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018.
Thế nên, trong tháng 1/2019, sản xuất công nghiệp khó có thể tăng tốc mạnh. 7,9% là mức tăng IIP khá cao, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và đây chính là chỉ dấu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 đang được tiếp tục trong năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,7%).
Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ, thể hiện quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 84,5% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Con số này đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định rằng, kinh tế 2019 đang tiếp tục khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 1,7%.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, điều đáng mừng là nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN.
Đặc biệt, vừa qua lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).
Tuy nhiên, người phát ngôn Chính phủ cũng nhấn mạnh, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên một số vấn đề khó khăn, thách thức.
Chính vì vậy, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, phải chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ động thái của các nước lớn trên thế giới, tình hình trong khu vực và thương mại quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ mới để chủ động xây dựng đối sách phù hợp không để bị động, bất ngờ.
"Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn, bứt phát hơn như chỉ đạo của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Doanh nghiệp mất 800 nghìn USD/ngày vì vụ 24.000 container ùn tắc
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, tại phiên họp trước đó của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo về xử lý vướng mắc liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Theo báo cáo của cơ quan liên quan, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container).
Việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng từ 600.000-800.000 USD/ngày.
Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, sự việc trên đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp nên phải tìm cách giải quyết, không đổ lỗi cho nhau mà phải làm rõ ràng.
"Hôm nay Thủ tướng rất gắt gao trong việc không đánh giá kỹ tác động mà đã ban hành Thông tư là vô cảm. Trong khi đó trước khi Tổ công tác xuống, Thủ tướng đã nghe các doanh nghiệp phản ánh rất nặng nề về việc này, thậm chí có doanh nghiệp còn khóc với Thủ tướng. Có câu chuyện là không ai giải quyết cho doanh nghiệp mà tình trạng này đã diễn ra từ rất lâu rồi (từ tháng 6/2018), rồi có chuyện bán cả người cả của cũng không đủ tiền nộp phạt cho những container này", ông Dũng nói.
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách hơn, thực chất hơn năm 2018, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con, tạo chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp.
Chúng ta dứt khoát bảo vệ môi trường nhưng đồng thời cũng không lấy lý do đó để tạo thêm rào cản, chi phí vô lý cho doanh nghiệp. Nếu là các lô hàng rác thải ô nhiễm, vô chủ thì phải cương quyết ngăn chặn, xử lý, nhưng nếu là lô hàng phế liệu làm nguyên liệu đủ điều kiện, bảo đảm an toàn môi trường thì phải được thông quan, không để ảnh hưởng đến sản xuất.
Post a Comment