Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng; quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô; thời gian tập sự đối với giáo viên trường công lập... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 2/2019.

Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng

Nghị định 164/2018/NĐ-CP ngày 21/12/2018 về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng có hiệu lực từ 10/02/2019. Trong đó, kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội bao gồm việc kết hợp mọi hoạt động về quốc phòng với hoạt động xây dựng và thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; bảo đảm môi trường ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Còn kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng bao gồm việc kết hợp trong xây dựng, tham gia thẩm định các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; kết hợp trong phát triển vùng, lãnh thổ; kết hợp trong các ngành, lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế.

Quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính

Nghị định 165/2018/NĐ-CP ngày 24/12/2018 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính có hiệu lực từ ngày 10/02/2019.

Theo đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 5 của Luật giao dịch điện tử; quy định của pháp luật chuyên ngành và các quy định pháp luật liên quan.

Giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính thuộc thủ tục hành chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến. Việc sử dụng chứng thư số và chữ ký số trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính phải tuân thủ quy định của pháp luật về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số.

Quy định mới về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô

Nghị định 04/2019 của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 25/2 quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ôtô trong các cơ quan Nhà nước. Trong đó, Nghị định nêu rõ: Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội được sử dụng thường xuyên một ôtô, kể cả đã nghỉ công tác và không quy định mức giá.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch UBND của Hà Nội và Tp.HCM được sử dụng một xe ôtô có giá tối đa 1,1 tỷ đồng trong thời gian công tác.

Thứ trưởng, Phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó chủ tịch UBND của Hà Nội và Tp.HCM được sử dụng ôtô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác với giá mua tối đa 920 triệu đồng/xe.

Cho vay để đầu tư ra nước ngoài không quá 70% vốn của khách hàng

Thông tư 36/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2019.

Mức cho vay do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận nhưng tối đa không vượt quá 70% vốn đầu tư ra nước ngoài của khách hàng. Quy định này để đảm bảo khách hàng/nhà đầu tư phải thu xếp nguồn vốn khác như vốn chủ sở hữu tham gia vào dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài, nhằm giảm bớt rủi ro cho tổ chức tín dụng, đồng thời chứng minh năng lực thu xếp tài chính của khách hàng.

Thời gian tập sự đối với giáo viên trường công lập

Từ ngày 8/2/2019, thời gian tập sự theo chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập được thực hiện theo quy định tại Thông tư 31/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Cụ thể, để được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên, người trúng tuyển phải thực hiện thời gian tập sự như sau: Trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giảng viên hạng 3, chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng 3, chức danh nghề nghiệp giáo viên dự bị đại học hạng 3 phải thực hiện thời gian tập sự 12 tháng.

Trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III phải thực hiện thời gian tập sự 9 tháng.

Trường hợp tuyển dụng vào chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng IV, chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng IV phải thực hiện thời gian tập sự 6 tháng.

Xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi

Theo Thông tư liên tịch 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/02/2019, việc xác định tuổi của người bị buộc tội, người bị hại dưới 18 tuổi căn cứ vào một trong các giấy tờ, tài liệu sau: a- Giấy chứng sinh; b- Giấy khai sinh; c- Chứng minh nhân dân; d- Thẻ căn cước công dân; đ- Sổ hộ khẩu; e- Hộ chiếu.

Trường hợp các giấy tờ, tài liệu trên có mâu thuẫn, không rõ ràng hoặc không có giấy tờ, tài liệu này thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải phối hợp với gia đình, người đại diện, người thân thích, nhà trường, Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh hoặc tổ chức, cá nhân khác có liên quan nơi người dưới 18 tuổi học tập, lao động, sinh hoạt trong việc hỏi, lấy lời khai, xác minh làm rõ mâu thuẫn hoặc tìm các giấy tờ, tài liệu khác có giá trị chứng minh về tuổi của người đó.

Quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất

Chính phủ ban hành Nghị định 167/2018/NĐ-CP, ngày 26/12/2018, quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có hiệu lực từ ngày 10/02/2019.

Công tác quốc phòng ở Bộ, ngành Trung ương, địa phương

Nghị định 168/2018/NĐ-CP ngày 28/12/2018 về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương có hiệu lực từ 14/02/2019.

Nghị định này quy định chi tiết Điều 16 Luật Quốc phòng năm 2018 về nội dung công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương; Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương, cơ quan thường trực công tác quốc phòng của địa phương; trách nhiệm, mối quan hệ của Bộ, ngành trung ương, địa phương và kinh phí bảo đảm công tác quốc phòng.

Nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm

Nghị định số 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.

Nghị định này quy định chi tiết về nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, trang bị bảo đảm hoạt động và chế độ, chính sách đối với Kiểm lâm; nhiệm vụ, quyền hạn và bảo đảm hoạt động của Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của chủ rừng.

Quy định về phòng thủ dân sự

Nghị định 02/2019/NĐ-CP ngày 02/01/2019 về phòng thủ dân sự có hiệu lực từ ngày 16/02/2019.

Nghị định này quy định nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động phòng thủ dân sự; bảo đảm phòng thủ dân sự; trách nhiệm của các bộ, ngành trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp về phòng thủ dân sự.

Quy định khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám

Nghị định 03/2019/NĐ-CP ngày 04/01/2019 của Chính phủ về hoạt động viễn thám có hiệu lực từ ngày 20/02/2019. Trong đó, Nghị định quy định rõ việc cung cấp, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu ảnh viễn thám.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top