"Đương đầu với các lợi ích nhóm mà bảo không áp lực thì là nói dối. Nhưng dù phải chịu áp lực hơn nữa thì tôi cũng vẫn sẵn sàng. Người dân, doanh nghiệp đang mong mỏi lắm Chính phủ thực thi cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm, là có tội với nước, với dân", Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định.

Thưa Bộ trưởng, ông thường nói, "tôi nhà quê", có thể hiểu đó là thông điệp đến lợi ích nhóm rằng, "tôi như nông dân cầm súng thời kháng chiến, chỉ vì đất nước, không sợ bất kỳ thế lực nào"?

Thực tế đúng là tôi ở nhà quê ra Hà Nội. Đi từ quê nghèo, tôi hiểu được nỗi khổ của dân nghèo cũng như niềm vui, hạnh phúc của họ. Người dân quê chất phác và trong sáng lắm, nhưng họ luôn sống có lý tưởng, có niềm tin vào Đảng, Nhà nước và chế độ, có ước mong đất nước ngày càng tốt đẹp hơn. 

Bởi những người dân quê là những người cảm nhận được sớm nhất, rõ nhất về mỗi chuyển biến của đất nước. Không phải là những điều gì quá to tát, bữa cơm mỗi ngày no hơn, ngon hơn; thiên tai, bão lũ được quan tâm nhiều hơn; ốm đau bệnh tật được chăm sóc tốt hơn; Tết đến xuân về bình an hơn, nhà có thêm con lợn, vịt, con trâu, con bò, thêm cái tivi mới hiện đại hơn... cũng đều mang lại cho người dân quê cảm giác hạnh phúc.

Họ cũng là những người phải gánh chịu nặng nề nhất một khi có sự hoành hành của lợi ích nhóm tham nhũng, tàn phá đất nước, bởi vì đây là những người yếu thế nhất. Đương đầu với các lợi ích nhóm mà bảo không áp lực, thì là nói dối. 

Nhưng dù phải chịu áp lực hơn nữa, thì tôi cũng vẫn sẵn sàng. Người dân, doanh nghiệp đang mong mỏi lắm Chính phủ thực thi cải cách mạnh mẽ hơn nữa, nếu chúng ta sợ lợi ích nhóm, là có tội với nước, với dân.

Mẹ tôi và nhiều người dân đều bảo chưa từng thấy thời kỳ nào mà Chính phủ cứu đói, xây nhà cho dân nghèo nhiều như thời kỳ này. Có phải vì các lợi ích nhóm đã co cụm lại nên Chính phủ có nhiều nguồn lực hơn để lo cho dân?

Cuộc chiến với các lợi ích nhóm cũng như tham nhũng còn rất dài và rất gian khổ, kết quả không thể đến ngay trong một sớm một chiều. Nhưng sự thực lòng quan tâm đến đời sống của nhân dân thì lúc nào cũng có thể làm được. Đó là cái tâm của những người làm lãnh đạo.

Năm 2018, theo chỉ đạo của Thủ tướng, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất cấp 120.428 tấn gạo, với tổng giá trị khoảng 1.186 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân các địa phương. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn thực hiện xuất cấp hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh: 1,226 triệu liều vắc xin các loại; 65.345 lít hóa chất sát trùng các loại; 550 tấn hóa chất Chlorine; 16.000 lít hóa chất Han-Iodine; 32,5 tấn hạt giống rau; 3.615 tấn hạt giống lúa và 483 tấn hạt giống ngô với tổng giá trị hàng hóa là 217 tỷ đồng...

Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Chính phủ đều có những chính sách và ban hành các quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương vùng khó khăn, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lụt, không để người dân nào đói cơm, đứt bữa. 

Việc hỗ trợ gạo cho nhân dân dịp Tết Nguyên đán, giáp hạt đầu năm 2018 và khắc phục hậu quả mưa lũ, nhân dân đánh giá đây là một trong những chính sách hợp lòng dân, là việc làm hết sức cần thiết. 

Điều đó có ý nghĩa lớn lao, đậm chất nhân văn thể hiện tinh thần "tương thân tương ái" sẻ chia của Đảng, Chính phủ giúp đồng bào vượt qua thời điểm khó khăn, ổn định đời sống phát triển sản xuất. Góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm sự ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội và tăng thêm niềm tin tưởng của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chính phủ.

Vậy khi chiến đấu với lợi ích nhóm trong 3 năm qua, kết quả nào mà ông có thể thấy?

Tôi thấy, trước hết là khi phát quang được bước đầu tầng tầng lớp lớp các nhóm lợi ích trong bộ máy chính quyền từ Trung ương đến địa phương, thì tiếng nói của người dân đã lên được tới những người lãnh đạo cao nhất của đất nước. Khi phát quang lợi ích nhóm, thì khách đến Văn phòng Chính phủ từ "cửa chính" ngày càng nhiều hơn, đặc biệt là khách quốc tế, chắc chưa có thời kỳ nào mà khách quốc tế đến Văn phòng Chính phủ làm việc nhiều như bây giờ. 

Điều đó tôi cho là thể hiện niềm tin của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước, họ tìm đến làm việc vì bước đầu yên tâm vào sự trong sạch của bộ máy và công việc của họ được giải quyết đường đường chính chính, không còn phải đi bằng cửa sau và hành xử theo văn hóa "gầm bàn".

Nếu như năm đầu của nhiệm kỳ, năm 2016, những vụ việc xảy ra như với quán cà phê "Xin chào" nhiều không thể kể hết, thì đến nay cũng đã giảm hẳn. Một không khí mới về thượng tôn pháp luật, kỷ luật kỷ cương đã ngày càng lan rộng. Ít nhất, điều mà tôi tin là người dân nào cũng có thể cảm thấy là lực lượng thực thi công vụ không còn dám ngang nhiên làm càn như ngày trước, không còn dám ngang nhiên vòi vĩnh, ăn chặn tiền của người dân, doanh nghiệp như cướp ngày. Bò dành cho người nghèo cũng không còn đi lạc vào nhà chủ tịch xã...

Ông có thể chia sẻ về điều luôn làm ông thấp thỏm khi "ra trận" bởi tất cả chúng ta đâu có ai là "mình đồng da sắt"?

Phải nói là khí thế cải cách, chống tham nhũng đang đặc biệt mạnh mẽ. Không bao giờ chùn chân, tất nhiên là thế, nhưng đúng là tôi cũng có điều luôn thấp thỏm. Như đối với công cuộc cải cách về thể chế hiện nay. Muốn có cải cách mạnh thì nhiều vấn đề phải vượt ra ngoài luật.

Trong thực tiễn điều hành, Chính phủ đặt nguyên tắc bám vào quy định của pháp luật. Có những vấn đề thực tiễn mà pháp luật chưa theo kịp, đòi hỏi phải có sự quyết đoán và đồng thuận. Thủ tướng ngoài tâm huyết, trách nhiệm còn rất trí tuệ, khi xử lý vấn đề rất thông minh, uyển chuyển, nhưng tôi cho rằng, vấn đề tạo sự đồng thuận là khó nhất. 

Thủ tướng quyết đoán nhưng phải tạo được sự đồng thuận trong Chính phủ và các bộ, ngành. Mà muốn đạt được sự đồng thuận thì tất cả các thành viên Chính phủ phải gạt đi tư tưởng lợi ích nhóm, chỉ theo một mục tiêu duy nhất là phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

Điều đáng mừng là có sự đoàn kết cao trong Chính phủ. Chẳng hạn, tất cả chúng tôi đều thống nhất rằng, phải gia tăng sức ép trong thực thi mọi nhiệm vụ. Một đất nước muốn phát triển thì phải có sự cạnh tranh quyết liệt, không có cạnh tranh thì không thể phát triển. Không tạo sức ép mạnh từ trên xuống thì không thể lay động. Tự giác chỉ có mức độ, vì bộ máy của chúng ta đã trì trệ quá lâu, cần có sức ép, sự quyết liệt từ lãnh đạo, từ người đứng đầu.

Theo tinh thần đó, các bộ, ngành, địa phương đều quyết tâm rất cao, đều hoàn thành nhiệm vụ dù các mức độ hoàn thành còn khác nhau. Có những địa phương thay đổi hẳn chiến lược tăng trưởng. Điển hình như Quảng Ninh trước đây chỉ dựa vào khai thác than, khi chuyển tăng trưởng từ "nâu sang xanh" thì tạo ra thay đổi rất khác biệt.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top