Sẽ không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.

Đây là một trong những điểm mới tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ - Công chức và Luật Viên chức đang được Bộ Nội vụ lấy kiến.

Theo đó, Bộ Nội vụ cho biết, mặc dù Luật Viên chức và các Nghị định đã quy định tương đối chi tiết nhưng trên thực tế số lượng đơn vị sự nghiệp công lập rất lớn, đa dạng về loại hình, lĩnh vực hoạt động và cách thức tổ chức quản lý nên còn cách hiểu khác nhau về "bộ máy lãnh đạo, quản lý" dẫn đến việc áp dụng gặp nhiều khó khăn.

"Thực tế hiện nay, do đơn vị sự nghiệp không được thực hiện chức năng quản lý nhà nước và không thực hiện hoạt động công vụ, trừ một số đơn vị phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước nên công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý lý đơn vị sự nghiệp công lập không được hưởng phụ cấp công vụ và hầu hết các đơn vị sự nghiệp cũng không được giao biên chế công chức", Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

Mặt khác, trong số công chức thuộc bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập đã được bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và thực hiện hoạt động nghề nghiệp thì rất ít trường hợp chuyển sang giữ ngạch công chức. Điều này dẫn đến những vướng mắc, không thống nhất trong việc thực hiện chế độ, chính sách và áp dụng cơ chế quản lý đối với những người này.

Một số đối tượng như Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc, Giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng và những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp theo quy định của Luật cũng áp dụng các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật tương tự như đối với công chức.

Tuy nhiên, do đặc thù hoạt động của doanh nghiệp khác với cơ quan hành chính nên trong quá trình thực hiện các quy định về quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, đánh giá, thôi việc, kỷ luật đối với viên chức lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp còn những vướng mắc, chưa phù hợp; chưa đáp ứng được yêu cầu xây dựng đội ngũ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp trong thời kỳ mới. 

Điều này cũng dẫn đến những bất cập trong thực tế triển khai thực hiện do bản chất thực hiện công vụ khác với hoạt động kinh doanh nên không thể áp dụng chế độ đối với những đối tượng này như với đội ngũ công chức.

Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất sẽ không quy định là công chức đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập, trừ các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ nhiệm vụ chính trị và phục vụ quản lý nhà nước.

Đồng thời, bỏ quy định áp dụng Luật cán bộ công chức đối với những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước.

Đánh giá tác động của đề xuất này, Bộ Nội vụ cho rằng, về mặt kinh tế sẽ có tác động tích cực đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và các doanh nghiệp nhà nước.

Cụ thể, việc không quy định công chức là những người đang làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập và không áp dụng pháp luật về cán bộ công chức đối với những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp sẽ bảo đảm những người này hoạt động đúng vị trí, chức năng, đúng bản chất hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp.

Điều này sẽ giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập, các doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Quy định cũng sẽ tạo sự công bằng về quyền lợi, trách nhiệm giữa đội ngũ cùng công tác trong một đơn vị, đề cao trách nhiệm, chủ động của doanh nghiệp nhà nước cũng như đơn vị sự công lập.

Mặt khác, việc không quy định đội ngũ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong đơn vị sự nghiệp công lập là cán bộ, công chức sẽ giúp ngân sách nhà nước tiết kiệm được hàng trăm tỉ đồng mỗi năm (chi phí đào tạo, báo cáo đánh giá…), chưa kể những chi phí vô hình (thời gian vật chất cho các cuộc hội họp, kiểm điểm, đánh giá với tư cách là công chức, những phát sinh khi phải hỏi ý kiến cơ quan có thẩm quyền về các vấn đề có liên quan).

Theo đó, nếu tính chi phí đào tạo trung bình 5 triệu đồng/người/năm thì mỗi năm ngân sách sẽ phải bỏ ra khoảng 290 tỷ đồng cho công tác đào tạo đối với những đối tượng này.

Việc bỏ quy định áp dụng Luật cán bộ công chức đối với những người giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp cũng góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí vật chất, phòng chống tham ô, tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thay đổi cơ cấu tổ chức và sẽ tinh giảm đội ngũ công chức trong bộ máy quản lý nhà nước. Theo đó, dự kiến giảm khoảng 58 vạn công chức thuộc khối đơn vị sự nghiệp công lập.

Đối với người dân và doanh nghiệp, cơ bản đề xuất này không có tác động trực tiếp nhưng sẽ được lợi từ việc giảm các chi phí của đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (được tính vào chi phí sản xuất kinh doanh) do tiết kiệm được từ các hoạt động hội họp, đánh giá, xin ý kiến… của các cơ quan này.

Về tác động tiêu cực, Bộ Nội vụ đánh giá là không rõ ràng, tuy nhiên cần có sự chuẩn bị để đề xuất phương thức quản lý đối với những người này bảo đảm hoạt động đúng tính chất, theo cơ chế thị trường nhưng vẫn có sự quản lý của nhà nước, đặc biệt là bảo đảm cơ chế lãnh đạo của Đảng.

Tác động đối với hệ thống pháp luật, về tổ chức bộ máy, Bộ Nội cho rằng đề xuất chính sách không liên quan đến thay đổi tổ chức bộ máy nhà nước hiện hành. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định bảo đảm tính khả thi khi các nội dung chính sách này được quy phạm hóa. 

Chính sách sẽ tác động tích cực đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý trực tiếp các đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước do không còn thực hiện quản lý trực tiếp (về chế độ, chính sách, công tác điều động, luân chuyển, đánh giá, đánh giá xếp loại, kỷ luật…) đối với đội ngũ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.

Việc không quy định công chức là những người đang làm việc trong bộ máy lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập và không áp dụng pháp luật về cán bộ công chức đối với những người giữ các chức  vụ lãnh đạo, quản lý trong doanh nghiệp còn góp phần bảo đảm tính minh bạch, hiệu quả của nền hành chính, phòng, chống tham nhũng, sách nhiễu. Qua đó, gián tiếp bảo đảm các quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013.

Bộ Nội vụ cũng khẳng định, đề xuất mà cơ quan này đưa ra không trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nếu được thông qua, dự kiến dự thảo sẽ có hiệu lực từ 1/1/2020.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top