Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.

Theo đó, dự thảo lần này đã quy định rõ hơn mức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô theo từng công đoạn sử dụng.

Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất mức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại được xác định theo 2 hình thức là khoán theo km thực tế và khoán gọn.

Nếu xác định theo km thực tế, mức khoán mỗi tháng sẽ bằng số km từ nơi ở đến cơ quan nhân với 2 lần rồi nhân với số ngày làm việc thực tế trong tháng và nhân với đơn giá khoán.

Trong đó, số km từ nơi ở đến cơ quan là khoảng cách thực tế ngắn nhất từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của chức danh; 2 lần bao gồm 1 lần đi và 1 lần về trong một ngày làm việc; số ngày làm việc thực tế trong tháng là số ngày người nhận khoán thực tế làm việc tại cơ quan.

Nếu lựa chọn hình thức khoán gọn thì mức khoán bằng số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan nhân 2 lần nhân số ngày đưa đón bình quân hàng tháng nhân với đơn giá khoán.

Trong đó, số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan từ nơi ở đến cơ quan mà xe ôtô lưu thông được được tính theo tổng số km thực tế ngắn nhất từ nơi ở đến cơ quan của tất cả các chức danh chia cho tổng số chức danh thuộc đối tượng khoán; 2 lần bao gồm 1 lần đi và 1 lần về trong một ngày làm việc; số ngày đưa đón bình quân hàng tháng (ngày/tháng).

Đối với mức khoán kinh phí sử dụng xe ôtô đối với công đoạn đi công tác, Bộ Tài chính cũng đề xuất áp dụng bằng hai hình thức tương tự như trên.

Cụ thể, mức khoán bằng số km thực tế của từng lần đi công tác nhân với đơn giá khoán. Hoặc, khoán gọn với mức khoán bằng số km đi công tác bình quân hàng tháng nhân với đơn giá khoán và chỉ áp dụng trong trường hợp đi công tác thường xuyên trong tháng.

Bộ Tài chính cũng đề xuất cơ quan, đơn vị quản lý tài chính, tài sản được giao làm đầu mối tổ chức thực hiện khoán kính phí sử dụng xe ôtô thực hiện xác định số km từ nơi ở đến cơ quan, số ngày làm việc thực tế trong tháng của từng chức danh nhận khoán; xác định khoảng cách bình quân từ nơi ở đến cơ quan, số ngày đưa đón bình quân hàng tháng của các chức danh có tiêu chuẩn đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại; xác định số km thực tế của từng lần đi công tác của từng chức danh nhận khoán; xác định số km đi công tác bình quân hàng tháng của chức danh nhận khoán.

Ngoài ra, dự thảo của Bộ Tài chính còn có điểm mới là quy định điều khoản việc lấy ý kiến cơ quan tài chính nhà nước khi mua xe ôtô phục vụ dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài.

Theo đó, đối với dự án viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, việc mua sắm xe ôtô phục vụ hoạt động của từng dự án thực hiện theo quy định của hiệp định đã được ký kết hoặc văn kiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Khi đàm phán để ký kết văn kiện dự án viện trợ không hoàn lại mà nhà tài trợ yêu cầu phải mua sắm xe ôtô phục vụ hoạt động của dự án thì ngoài việc tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục ký kết, gia nhập và thực hiện Điều ước quốc tế (thỏa thuận quốc tế); cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì lấy ý kiến của Bộ Tài chính (đối với dự án do cơ quan trung ương thực hiện) hoặc Sở Tài chính (đối với dự án do cơ quan địa phương thực hiện) trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương tiếp nhận dự án.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top