Tại trạm thu phí trên Quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên, đến 18h ngày 4/9 đã xảy ra tắc nghẽn cục bộ.

Từ năm 2003, các phương tiện đi trên Quốc lộ 5 phải nộp phí với mức 10.000 đ/lượt/trạm/xe tiêu chuẩn. Nhưng từ năm 2009, để thu phí hỗ trợ dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) đã thu phí 40.000 đ/lượt/xe gây bức xúc cho người dân. Đỉnh điểm là ngày 4/9, các doanh nghiệp vận tải cố tình trả tiền lẻ qua trạm, người dân cản trở thu phí, khiến chủ đầu tư buộc phải “xả” trạm.

Tại trạm thu phí trên Quốc lộ 5, đoạn qua tỉnh Hưng Yên, đến 18h ngày 4/9 đã xảy ra tắc nghẽn cục bộ. Tình trạng kéo dài cả 2 chiều vì một số xe tải trả phí qua trạm bằng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng. Hơn thế, còn có hiện tượng xe tự “chết máy” ngay khi vào làn trạm thu phí.

Xả trạm giải tỏa ùn tắc

Ông Trần Anh Tú, Phó Tổng giám đốc VIDIFI cho biết: trước đó, các đơn vị thu phí đã tính toán để lường trước tình trạng lái xe trả tiền lẻ qua trạm. Đơn vị cũng đã sẵn sàng bố trí nhân lực, nếu lái xe trả tiền lẻ sẽ yêu cầu di dời vào khu vực riêng, có nhân viên trực tiếp ra lề đường thu phí để tránh ùn tắc trước cổng trạm. Tuy nhiên, tình hình diễn biến khá phức tạp vì cả những người dân trong khu vực cản trở thu phí.

Sáng ngày 5/9, ông Tú cho biết thêm: theo dõi qua camera, VIDIFI và các lực lượng chức năng xác định lái xe của 20 xe tải, chủ yếu xe có logo Đức Chính, đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200, 500 đồng để trả tiền phí, gây ùn tắc cục bộ chiều từ Hải Dương đi Hà Nội. Sau đó, các xe này vòng đi, vòng lại nhiều lần gây ùn tắc cả hai chiều. Có trường hợp xe đột ngột “chết máy” trong làn thu phí khiến ùn tắc nghiêm trọng.

Theo ý kiến phản ảnh của người dân tại các huyện Văn Lâm, Văn Giang, do phí qua trạm quá cao (40 nghìn đồng/lượt) nên xe tải đã tìm cách trốn đi vào các đường liên xã, huyện, tỉnh. Tình trạng này kéo dài đã làm hỏng đường, tăng tai nạn giao thông, vì thế, người dân phải ra đường chặn xe để phản đối trạm thu phí.

“Trước tình hình ùn tắc kéo dài, VIDIFI đã quyết định cho phép xả trạm thu phí trong khoảng 20 phút để các phương tiện lưu thông”, ông Tú nói. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Nguyễn Văn Huyện, có việc kích động gây cản trở thu phí tại Quốc lộ 5 khiến phải “xả” trạm thu phí. Những hình ảnh gây rối đã bị các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, nhưng sẽ tạo ra những tiền lệ xấu.

“Đây là dự án thu phí hỗ trợ dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng chưa phải là BOT”, ông Huyện nhấn mạnh.

Vì sao đầu tư ngoại không mặn mà?

Trước đó, dù được thu phí trên cả tuyến Quốc lộ 5 cũ và cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, nhưng VIDIFI báo lỗ theo ngày. Cụ thể, mỗi ngày trên cả 2 tuyến đơn vị thu được 5,5 tỷ đồng, tuy nhiên phải trả lãi vay lên tới 8 tỷ đồng/ngày. Vì thế, việc xả trạm, ảnh hưởng lớn đến bài toán tài chính của VIDIFI.

Lý giải về việc trả lãi vay 8 tỷ đồng/ngày, ông Đặng Văn Tâm, Phó Tổng giám VIDIFI cho biết: theo Quyết Định 746/TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay vẫn chưa được thực hiện (bao gồm khoản hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng của dự án khoảng 4.069 tỷ đồng, khoản tái cơ cấu các khoản vay nước ngoài 300 triệu USD).

Chính vì 2 khoản vay này mà VIDIFI đang phải chịu trách nhiệm trả lãi. Số vốn này đã được Bộ Giao thông Vận tải cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, giờ này vẫn chưa chi trả cho đơn vị. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Đến nay trạm thu phí lại bị tắc nghẽn gây ảnh hưởng đến bài toán thu phí. Mà xa hơn, do đơn vị đang chào hàng với các doanh nghiệp nước ngoài để góp vốn cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Theo các chuyên gia giao thông, hầu hết các dự án BOT đang thực hiện không có bóng dáng nhà thầu ngoại mà chủ yếu là thầu nội với phương thức chỉ định thầu. Riêng đối với dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải đã chào hàng với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có nhà thầu Ấn Độ và công ty tư vấn đầu tư từ Úc đang rất quan tâm, xúc tiến chuyển nhượng.

Tuy nhiên, nếu các hỗ trợ của Nhà nước không được thực hiện và trạm thu phí tiếp tục ùn tắc như hiện nay, sẽ không nhà đầu tư ngoại nào dám mạo hiểm nhảy vào. Đó chính là điểm nghẽn trong dòng vốn để xây dựng hạ tầng của đất nước trong thời gian tới.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top