Hội nghị chuyển đổi mô hình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long sẽ do Thủ tướng chủ trì, dự kiến diễn ra 2 ngày, 26 - 27/9 tại Cần Thơ.

Chiều 5/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với một số bộ, ngành về việc tổ chức hội nghị định hình chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu.

Được xem là “hội nghị Diên Hồng” cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm huy động sự hỗ trợ Chính phủ và các địa phương trong vùng xác định các nhóm giải pháp chiến lược về chuyển đổi có quy mô lớn nhằm phát triển bền vững cả vùng với tầm nhìn đến năm 2100.

Hội nghị sẽ do Thủ tướng chủ trì, dự kiến diễn ra 2 ngày, 26 - 27/9 tại Cần Thơ.

Hội nghị sẽ tập trung thảo luận chuyên đề như tổng quan về thách thức, cơ hội, giải pháp chuyển đổi mô hình phát triển cho Đồng bằng sông Cửu Long; quy hoạch tích hợp, phát triển hạ tầng và cơ chế điều phối vùng; chuyển đổi sinh kế bền vững, hạ tầng thủy lợi, phòng chống thiên tai, chống sụt lún, sạt lở; nhu cầu phát triển và nguồn lực.

Theo Thủ tướng, đây là hội nghị quan trọng để bàn một cách có hệ thống toàn vùng trong việc chuyển đổi mô hình phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thủ tướng yêu cầu nhưng ý kiến đưa ra tại hội nghị phải  đổi mới tư duy phát triển, thích ứng với biến đổi khí hậu, phải là tiếng nói khách quan, có cơ sở khoa học trong vấn đề chuyển đổi cũng như các giải pháp tổng thể và cụ thể.

Cùng với đó phải có phương án dễ hiểu, dễ vận dụng, có tính chất toàn vùng, liên vùng, không để riêng rẽ, bị động. Áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ vào quản lý trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn.

Thủ tướng cũng đặt yêu cầu về tìm nguồn lực, cơ chế tài chính phù hợp để hỗ trợ phát triển cả vùng; có biện pháp, giải pháp trước mắt và lâu dài để bảo đảm cuộc sống bình yên của người dân trong vùng.

Sau hội nghị, cần soạn thảo nghị quyết của Chính phủ về chuyển đổi mô hình phát triển Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng biến đổi khí hậu để trình Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp thường kỳ tháng 9/2017.

Theo các báo cáo, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng phát triển kinh tế, nơi trú ngụ của khoảng 18 triệu người dân Việt Nam. Vùng đóng góp khoảng 18% GDP toàn quốc, với 90% tổng lượng gạo xuất khẩu, gần 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam và 70% sản lượng trái cây cả nước. Nhưng lại đang chịu ảnh hưởng ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, thiên tai, ngập mặn.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top