Trang web http://www.eastpendulum.com, một trang chuyên về tình hình Châu Á và biển Đông, bản Pháp Ngữ, đã đăng tải một bài của nhà báo Henri Kenhmann có tụa đề “Bientôt un mois d’exercice amphibie devant la porte du Vietnam” (tạm dịch: Gần một tháng tập trận đổ bộ gần cửa khẩu Việt Nam).
Bài viết đăng từ ngày 22/8, cho thấy sự kiện Trung Quốc tổ chức tập trận trên biển, cách Đà Nẳng chỉ có 75 hải lý, chỉ là một hoạt động đầy tính răn đe với riêng Việt Nam, tiếp theo cuộc tập trận trên bộ, kéo dài suốt trong cả tháng 8/2017.
Bài viết ghi rõ như sau “Kể từ đầu tháng Tám, Thủy quân lục chiến Trung Quốc cho thấy đang hoạt động tại Vịnh Bắc Bộ, gần biên giới Trung-Việt, bằng cách tiến hành một loạt các chiến dịch cứu hộ hỏa hoạn”.
Thế nhưng đó chỉ là bề ngoài của một cuộc tập trận quy mô với lệnh giới nghiêm, cấm mọi sinh hoạt qua lại của thường dân cũng như báo chí mà thời gian tập trận kéo dài từ ngày 1/8, cho đến ngày 23/8 vẫn còn dấu hiệu thao dượt.
Bài báo viết “Cần lưu ý rằng các vùng bắn dần dần chuyển hướng về phía Tây, theo hướng của Việt Nam, khi diễn tập diễn ra, trước khi quay về phía Đông. Khu vực gần nhất cách bờ biển Việt Nam khoảng 50 kilômét”.
Dựa trên các hình ảnh quân sự chính thức phát đi của phía Trung Quốc nhưng không tiết lộ rõ địa điểm, người ta thấy thủy quân lục chiến Trung Quốc đã dàn ra các loại xe bọc thép, như pháo tự hành PLZ-07B, xe tăng lội nước ZTD-05 hoặc xe chiến đấu bộ binh lội nước ZBD-05.
Theo một phóng sự trên kênh TV CCTV-7, một ‘chiến dịch đào tạo đổ bộ’ đã được tổ chức khoảng 30 phần diễn tập khác nhau, bao gồm phá hủy dưới nước, tiềm thủy công, tiến công đổ bộ…
Các bức ảnh khác được công bố vào ngày 21/8 cho thấy một lữ đoàn không quân của Quân đội Trung Quốc, thuộc Bộ tư lệnh miền Đông (Commandement du théâtre de l’Est), cũng có mặt trong việc thực tập đáp máy bay trên biển. Đặc biệt, máy bay trực thăng chiến đấu Z-10 cũng xuất hiện bên cạnh 998 Kunlun Shan, chiến hạm lớp 071 của Hạm đội Nam Hải.
Một nguồn tin khác từ RFI, cho biết các cuộc diễn tập cận bờ này khởi đầu có vẻ là nội bộ của Trung Quốc, nhưng rồi vùng tập trận đã lặng lẽ dịch chuyển về hướng gần biên giới Việt Nam. Vòng ra biển rồi sau đó tiến vào một huyện giáp giới với tỉnh Quảng Ninh của Việt Nam.
Giờ thì cuộc đại diễn tập của Trung Quốc chỉ còn cách bờ biển Đà Nẳng 75 hải lý.
Trong cuộc họp báo của Bộ ngoại giao Việt Nam vào ngày 31/8, trước các câu hỏi dồn dập của giới phóng viên về tình hình căng như dây đàn trên biển Đông, người phát ngôn Bộ ngoại giao lại cũng chỉ nói bằng một giọng điệu buồn chán, rằng “ “VN hết sức quan ngại về việc Trung Quốc công bố tiến hành diễn tập quân sự trong khu vực ngoài cửa vịnh Bắc bộ. VN đề nghị Trung Quốc chấm dứt và không lặp lại các hành động làm phức tạp tình hình tại Biển Đông”.
Trên thực tế, Trung Quốc đã đẩy mọi thứ trở nên hết sức phức tạp, từ tháng 6/2017 cho đến hiện nay chứ không phải chỉ riêng chuyện diễn tập. Đến lúc này, tin về việc Bắc Kinh đe dọa dùng vũ lực với Hà Nội để buộc ngừng khoan thăm dò ở lô 136/03, đuổi hãng Repsol chạy khỏi Việt Nam chắc không còn là đồn đoán. Cách mà Bắc Kinh muốn nhắc nhở Việt Nam một lần nữa qua cuộc tập trận rầm rộ trên biển này, cho thấy người đàn anh cộng sản không vui trước tin tức Việt Nam định khai thác mỏ Cá Voi Xanh ở lô 118 vào tháng 11 này. Con số hải quân Trung Quốc chỉ còn 50 cây số nữa là đến Đà Nẳng, là một thông điệp rất rõ, vì lô 118 Cá Voi Xanh cũng chỉ cách bờ biển Việt Nam hơn 80 cây số mà thôi.
Quả là ngôn ngữ “quan ngại” thường dùng của Hà Nội giờ đây trở thành một trò hề trước các hành động rất cụ thể của Bắc Kinh. Và “quan ngại” cũng không thỏa mãn được hàng triệu người Việt đang xao xuyến trước vận mệnh đất nước mình, đặc biệt là những người từng cảnh báo về âm mưu xâm lăng của Trung Quốc lại bị chính nhà cầm cầm quyền Việt Nam đánh đập hay cầm tù.
Tuấn Khanh
Nguồn: http://canhbaovn.com/2017/09/04/trung-quoc-dau-chi-tap-tran-o-sat-bien-viet-nam-co-mot-bi-mat-quan-su-khung-khiep-hon/
Post a Comment