"Nhờ sự chủ động, phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ngành trong điều hành giá đã giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt mức tăng theo đúng kịch bản Ban chỉ đạo đưa ra từ đầu năm, góp phần chuyển dần giá một số mặt hàng Nhà nước quản lý theo thị trường và hỗ trợ cho tăng trưởng của nền kinh tế".

Đánh giá trên được Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đưa ra tại phiên họp quý 3/2018 của Ban Chỉ đạo điều hành giá, ngày 28/9.

Thị trường tiền tệ ổn định

Theo báo cáo của Tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo, trong tháng 9, CPI tăng 0,59% so với tháng 8/2018 - trong khi kịch bản là tăng 0,6- 0,7%. Tháng 8 và tháng 9/2018 ghi nhận mức tăng CPI chậm lại so với 6 tháng trước đó. Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI tăng bình quân 3,57%.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, chính sách tiền tệ đang thể hiện vai trò tích cực trong kiểm soát lạm phát. Dự báo tới hết tháng 9 này, lạm phát cơ bản khoảng từ 1,44% vẫn đang ở mức thấp. Dự báo cả năm nay mức này sẽ tăng khoảng 1,5% vẫn bảo đảm trong phạm vi tăng 1,6- 1,8% theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Trong bối cảnh xung đột thương mại Hoa Kỳ- Trung Quốc leo thang, nhiều quốc gia có xu hướng tăng lãi suất thì lãi suất ở trong nước vẫn tiếp tục được điều hành ổn định. Tình hình tỷ giá cũng có áp lực nhất định nhưng Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời điều hành tỷ giá trung tâm linh hoạt, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nên thanh khoản thị trường vẫn bảo đảm, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt.

Bên cạnh đó, các Bộ: Công Thương, Y tế, Giáo dục và  Đào tạo, Xây dựng, Nông nghiệp… tích cực thực hiện các giải pháp về cơ cấu lại sản xuất, quản lý giá các mặt hàng thuộc trách nhiệm của Bộ như xăng dầu, giá dịch vụ y tế, giáo dục, vật liệu xây dựng, lương thực, viễn thông… theo sát kịch bản đề ra.

Đáng chú ý, cơ chế xác định giá một số mặt hàng dịch vụ Nhà nước quản lý từng bước được chuyển sang thị trường như giá khí cho sản xuất điện trong bao tiêu (từ 1/9), giá dịch vụ y tế (từ quý 1) và mới đây giá dịch vụ giáo dục.

 "Các bộ, ngành đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát tốc độ tăng CPI, tạo dư địa cho việc kiểm soát lạm phát bình quân năm 2018 ở mức dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội giao, khoảng 3,95%", đại diện Tổ giúp việc nhìn nhận.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước và Tổng cục Thống kê cũng đưa ra kịch bản của riêng từng cơ quan về CPI của cả năm 2018 nhưng đều ở mức dưới 4%.

Giữ lạm phát 2018 khoảng 3,7 – 3,95%.

Theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, chúng ta vừa điều hành giá nhiều mặt hàng cơ bản theo thị trường, vừa đưa được giá các dịch vụ công, mặt hàng do Nhà nước quản lý theo cơ chế thị trường trong bối cảnh biến động của giá hàng hoá thế giới, thiên tai bão lũ phức tạp mà CPI tháng 9 chỉ tăng ở mức 0,59% là thành công.

Phó thủ tướng nhận định việc điều hành chỉ số giá các tháng còn lại của năm có yếu tố thuận lợi là đi đúng hướng kịch bản đã xây dựng; áp lực từ điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý từ nay đến cuối năm không lớn…

Tuy nhiên, cũng có những nhân tố tiếp tục phải theo dõi, cập nhật, nhất là giá cả thế giới, đặc biệt giá dầu "đứng" ở mức cao, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải tiếp tục nỗ lực, không để xảy ra lạm phát kỳ vọng. Mục tiêu giữ lạm phát của năm 2018 ở khoảng 3,7% – 3,95%.

Do vậy, Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương theo dõi sát diễn biến giá cả các mặt hàng thiết yếu; Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất, tỷ giá, điều hành lạm phát cơ bản trong khoảng 1,5 – 1,6%.

Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương, Tài chính tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, sử dụng Quỹ bình ổn giá một cách phù hợp để hạn chế mức tăng giá mặt hàng này đến CPI nói chung. Trường hợp giá xăng dầu thế giới tăng cao đột biến và tỷ giá tăng cao, có thể sử dụng Quỹ bình ổn giá và ngừng trích lập quỹ.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ, tiếp tục điều hòa tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước, làm cho lượng tiền được lưu thông, giảm áp lực lạm phát. Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước và hệ thống tài chính địa phương tăng cường hoàn thiện thủ tục, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành, không để dồn vào cuối năm.

Về đánh giá và xây dựng kịch bản điều hành giá năm 2019, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Thống kê và các cơ quan đánh giá sát thực tình hình, bám sát diễn biến, trình Chính phủ kịch bản điều hành của năm 2019, với mục tiêu kiểm soát lạm phát ở mức khoảng 4%.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top