Thủ tướng sẽ trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp tư nhân tại “Diễn đàn kinh tế tư nhân”, ngày 31/7/2017.
Kinh tế tư nhân đang chờ đón vào thời kỳ mới sau khi được Trung ương Đảng ban hành một nghị quyết dành riêng cho mình. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng sẽ trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp tư nhân tại “Diễn đàn kinh tế tư nhân”, ngày 31/7/2017.
Thực tế, ngay khi được Quốc hội bầu làm Thủ tướng vào tháng 4/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập “Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp”, với sự tham gia của doanh nghiệp ở tất cả các thành phần kinh tế, trong đó, chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân.
Sau hội nghị này, lần đầu tiên có một nghị quyết riêng cho doanh nghiệp được ban hành mang tên Nghị quyết 35/CP, nhấn mạnh doanh nghiệp là đối tượng để phục vụ. Tất cả các doanh nghiệp đều bình đẳng, không phân biệt loại hình, thành phần kinh tế trong cơ hội tiếp cận các nguồn lực và đầu tư kinh doanh. Chính phủ cũng phát đi thông điệp cởi trói tối đa cho doanh nghiệp, đồng thời tuyên chiến không khoan nhượng với giấy phép con, lợi ích nhóm... Cùng với đó là tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 19/CP về cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh.
Tròn một năm sau khi Chính phủ dốc lực cho sự phát triển của lực lượng doanh nghiệp tư nhân, 65% doanh nghiệp tư nhân đã có lãi, cao nhất trong 5 năm, là con số mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến tại phiên họp thường kỳ Chính phủ diễn ra hồi tháng 4/2017.
Song, chặng đường phía trước vẫn còn rất gian nan và Thủ tướng, khi quyết định mở hội nghị đối thoại với doanh nghiệp lần 2 vào trung tuần tháng 5/2017, đã nhấn mạnh yêu cầu cần nhìn thẳng, nói thật, không chủ quan và sớm hài lòng về những kết quả đã đạt được bước đầu. Sau hội nghị mà thành phần doanh nghiệp tư nhân tham dự đã “áp đảo” về số lượng, các chỉ thị, nghị quyết dành riêng cho khối này tiếp tục được ban hành.
Luôn khẳng định, “Đảng và Nhà nước xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển kinh tế, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã và đang thể hiện những nỗ lực cao nhất để đưa chủ trương thành hiện thực.
Ông chỉ rõ rằng, phải xây dựng được một Chính phủ kiến tạo, liêm chính, minh bạch, loại trừ lợi ích nhóm cục bộ, loại trừ tình trạng lạm dụng độc quyền nhà nước của doanh nghiệp nhà nước, loại trừ bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp... “Nếu còn chưa làm tốt những công việc như vậy, thì chưa thể thực sự phát triển được khu vực kinh tế tư nhân”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự của nền kinh tế thì trước tiên, thể chế kinh tế phải đảm bảo mọi chủ thể kinh tế đều được làm tất cả những gì luật pháp không cấm. Khi và chỉ khi đạt đến điều đó mới có thể tạo lập được sự bình đẳng trên thực tế giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trước mọi cơ hội và mọi quy định, chế tài của các cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Vì thế, mở màn cho “Hội nghị Thủ tướng đối thoại với doanh nghiệp” lần đầu tiên vào tháng 4 năm ngoái, như miêu tả của Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp chỉ đạo “tháo ngòi nổ” cho vụ việc ở quán caphe “Xin chào”, tạo được hiệu ứng tích cực đầu tiên trong cộng đồng doanh nghiệp.
Đi từ việc vi mô đến vĩ mô, từ ban hành chính sách đến kiểm tra việc thực thi chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng Chính phủ mới trong hơn một năm qua đã thực sự mang đến cho khu vực kinh tế tư nhân niềm tin mới vào một thời kỳ phát triển mới. Điều này cũng tạo ra nền tảng quan trọng cho việc thực thi Nghị quyết Trung ương 5 về phát triển kinh tế tư nhân.
Post a Comment