Đề án 1058 cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải quản lý việc cấp tín dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Tại Hội nghị triển khai Đề án 1058 về tái cơ cấu tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, đại diện Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh: tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn thao túng tổ chức tín dụng. Đặc biệt, khái niệm “người liên quan” cũng được mở rộng để bao quát hơn nhóm người có cùng lợi ích.
Tại hội nghị, quan điểm về sở hữu chéo được đề cập khá chi tiết, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố lũng đoạn của cổ đông đích thực và nhóm người liên quan.
Ngăn chặn sở hữu chéo lũng đoạn
Để thực hiện hiệu quả Đề án 1058, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối nghiên cứu, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và các luật có liên quan với những điểm nhấn sau.
Một, bổ sung các quy định về tăng cường xử lý sở hữu chéo, ngăn lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông lớn để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung khái niệm “người có liên quan” để đảm bảo bao quát rộng hơn các trường hợp có cùng lợi ích nhằm xác định được “cổ đông đích thực”, “cổ đông hưởng lợi cuối cùng”, tăng thẩm quyền và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát cổ đông, nhóm cổ đông lớn ở cả hai khâu tiền kiểm (cấp phép, chấp thuận) và hậu kiểm (giám sát).
Ba, những cá nhân có “vết đen” nhân thân khi vi phạm nghiêm trọng quy định về hoạt động ngân hàng sẽ không được phép tham gia quản trị, điều hành hoạt động ngân hàng.
Bốn, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về giới hạn sở hữu cổ phần của cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần nhằm đại chúng hóa cổ đông của tổ chức tín dụng cổ phần và hạn chế sự thao túng của các cổ đông theo hướng giảm giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông pháp nhân so với vốn điều lệ và giảm giới hạn sở hữu cổ phần tối đa của một cổ đông và những người liên quan so với vốn điều lệ của tổ chức tín dụng cổ phần.
Năm, nghiên cứu trình Chính phủ cho phép tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với từng loại hình tổ chức tín dụng, phù hợp với cam kết quốc tế.
Ngoài ra, Đề án 1058 cũng yêu cầu tổ chức tín dụng phải quản lý việc cấp tín dụng chặt chẽ, công khai, minh bạch đối với các đối tượng bị hạn chế cấp tín dụng theo quy định của pháp luật; kiểm soát chặt chẽ hơn nữa việc cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước phải tham mưu sửa đổi, bổ sung quy định: yêu cầu nhà đầu tư, cổ đông chứng minh nguồn vốn góp vốn, mua cổ phần không phải là vốn vay từ các tổ chức tín dụng; định kỳ công khai thông tin về tình hình tài chính và những người có liên quan, kể cả những người được ủy thác đứng tên mua cổ phiếu.
Từ một số vụ tái cơ cấu gần đây
Đề án tái cơ cấu Sacombank được coi là ví dụ khá tiêu biểu về ứng xử trước tình trạng lạm dụng sở hữu chéo trong ngành ngân hàng giai đoạn 2016 – 2020. Các chuyên gia và người trong cuộc cho rằng, điều này thể hiện quan điểm kiên quyết với sở hữu chéo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Trước đó, mặc dù Sacombank trình lên Ngân hàng Nhà nước khá nhiều lần đề án tái cơ cấu nhưng đều không được thông qua, lý do chính là các vướng mắc liên quan đến sở hữu chéo và nợ xấu từ Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Nam mang sang.
Lần cuối cùng, đề án được thông qua với phương án chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank là ông Dương Công Minh ứng cử sang hội đồng quản trị Sacombank (sau này được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị ngân hàng này – PV).
Trong vụ việc này, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu ông Dương Công Minh và nhóm người liên quan phải thoái toàn bộ vốn tại LienVietPostBank trước khi ứng cử sang Sacombank. Đến nay, tại LienVietPostBank, cổ đông lớn nhất chính là VnPost.
Trở lại với vấn đề sở hữu chéo tại hội nghị nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh... đảm bảo phù hợp với các giải pháp cơ cấu lại nêu tại Đề án.
Xung quanh vấn đề sở hữu chéo, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là phải lần ra vốn góp, nguồn tiền mà cổ đông lớn chi phối ngân hàng. Song song, trong quá trình hoạt động ngân hàng, hoạt động cấp tín dụng đặc biệt phải chú ý vì đó chính là biểu hiện của sân sau của các nhóm cổ đông chi phối.
Ông Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia nói: “Khoá đầu, khoá đuôi, chắc chắn sẽ bịt được tình trạng thao túng ngân hàng”.
Ngoài ra, một chuyên gia khác cho rằng, hoạt động thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước hiện nay nên đề cao chức năng giám sát vì với nền tảng công nghệ thông tin hiện có, các hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng không thể “lọt khe” dễ dàng.
Do đó, chỉ cần cảnh báo sớm như là hình thức “rung chuông” nhắc nhở để ngăn sớm, ngăn kịp thời. Làm như vậy, cũng góp phần hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa bộ phận thanh tra với tổ chức tín dụng, nhằm khắc phục tình trạng tiêu cực từ hai phía.
Post a Comment