Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với doanh nhân trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân diễn ra sáng 31/7.  Ảnh: Bạch Dương 

Trong phiên đối thoại đầu tiên của Diễn đàn Kinh tế tư nhân năm 2017 diễn ra sáng 31/7, Tổng giám đốc của quỹ đầu tư lớn nhất Việt Nam Vinacapital Don Lam đã hỏi Thủ tướng về hiện tượng gần đây được truyền thông đưa tin: người Việt chi tới 3 tỷ USD mua nhà ở Mỹ, gửi 13-14 tỷ USD ra nước ngoài. 

“Vì sao dòng tiền lại chảy ra nước ngoài? Số tiền đưa ra nước ngoài rất lớn có phải cho thấy doanh nhân chưa thực sự yên tâm khi đầu tư, phát triển tại Việt Nam?”, ông Don Lam bày tỏ.

Môi trường tự do kinh doanh rất tốt

Trả lời câu hỏi của ông Don Lam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định dòng tiền đưa ra nước ngoài đã minh chứng Việt Nam là môi trường tự do kinh doanh rất tốt. Song, việc đưa tiền ra nước ngoài cũng là hiện tượng cần suy nghĩ, trong đó có việc duy trì lãi suất 0% với đồng USD. 

“Ngành ngân hàng cần suy nghĩ về vấn đề này. ở đây có Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cần làm sao để đảo ngược dòng tiền chảy ngược vào Việt Nam, thu hút thêm USD làm nguồn lực phát triển kinh tế đất nước”, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng nhấn mạnh việc đầu tư vào Việt Nam đang và đã rất thành công với nhiều quỹ đầu tư. “Vinacapital từ 10 triệu USD nay đã nâng tài sản vượt 3 tỷ USD. Chúng tôi mong muốn các quỹ đầu tư phát triển”, Thủ tướng nói. 

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nhấn mạnh rằng doanh nhân Don Lam cần phải xem xét kỹ lưỡng các con số. “Cần phải so sánh cụ thể con số tiền đem ra và kiều hối về nước. Con số 13-14 tỷ USD gửi ở nước ngoài là kiểu hối tự vệ. Dòng tiền ra nước ngoài đó có thể là kiều hối đem về và lại chảy ra nước ngoài tìm kiếm cơ hội khác”, ông Đông nói. 

Tại diễn đàn, các doanh nghiệp tư nhân bày tỏ nhiều khó khăn về các thủ tục hành chính, chi phí không chính thức lớn ảnh hưởng đến sự phát triển của kinh tế tư nhân. 

Doanh nhân Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Geleximco bày tỏ với Thủ tướng rằng, bản thân doanh nghiệp tư nhân khi khởi nghiệp đã mong muốn được cống hiến, góp phần vào phát triển đất nước. Doanh nghiệp tư nhân đang là động lực quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam nên các chính sách thiết kế cho khu vực này cần phải nhìn xa trông rộng hơn. 

“Nhiều nghiên cứu cho thấy, chi phí cho một doanh nghiệp Việt đi làm ăn lên tới 30% tổng chi phí của doanh nghiệp. Chi phí xuất khẩu hàng hoá của ta cũng lên tới 23% trong khi theo nghiên cứu của World Bank, chi phí này ở các nước chỉ là 10%. Những bất cập thì không thể nói hết trong vài giờ nhưng tôi muốn nói rằng rào cản phải được xoá bỏ, Chính phủ phải có biện pháp căn cơ, cải thiện môi trường kinh doanh cho kinh tế tư nhân phát triển”, ông Tiền nói. 

Trả lời thắc mắc của ông Vũ Văn Tiền và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, Thủ tướng nhấn mạnh hiện có hơn 330 tỷ USD vốn FDI đang đầu tư ở Việt Nam. Năm 2016, số doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục 110.000 doanh nghiệp, 6 tháng năm 2017 đạt 75.000 doanh nghiệp thành lập mới. Môi trường kinh doanh Việt Nam đang được định hướng và liên tục cải thiện. Năm 2016, WB đã xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 9 bậc.  

“Chúng tôi nhận thức rằng còn nhiều chi phí không chính thức, chi phí lãi vay, logistics cản trở doanh nghiệp. Chính phủ cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hơn việc cải thiện môi trường đầu tư, giảm chi phí, tất cả các ngân hàng phải giảm lãi suất. Đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã công bố lãi suất tối thiểu các ngân hàng đã giảm 0,5%, loạt các chi phí khác được xem xét cắt giảm”, Thủ tướng nói. 

Kinh tế tư nhân: Chìa khoá tăng trưởng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh kinh tế tư nhân đang được quan tâm nhất, được đầu tư mở rộng ra nhiều lĩnh vực mà trước đây hạn chế như hạ tầng giao thông, bệnh viện… kỳ vọng khối kinh tế tư nhân sẽ góp 60% vào GDP đất nước. 

Thủ tướng dẫn lại lời của đại văn hào Mark Twain “20 năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồn của bạn đón trọn lấy gió” để khơi gợi tinh thần của các doanh nghiệp tư nhân. Ông khẳng định, Chính phủ đang đặc biệt lắng nghe, tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân. Không ngày nào Chính phủ không có tiếp xúc với doanh nghiệp. 

"Khu vực tư nhân phải là đầu kéo quan trọng để phát triển kinh tế đất nước. Chìa khóa tăng trưởng kinh tế đất nước nằm ở khu vực kinh tế tư nhân. Những gì làm được Chính phủ sẽ tạo điều kiện cho tư nhân tham gia. Đây là con đường đúng đắn trong công cuộc tái cơ cấu kinh tế, nâng cao vị thế Việt Nam”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh tương lai đất nước đang rất tươi sáng nhờ nguồn lực người dân, doanh nghiệp, vị trí địa lý. Ông mong mọi người nhìn nhận ra tương lai của đất nước để cùng phát huy sáng tạo, đặc biệt của khu vực tư nhân để thành công nối tiếp thành công. 

Với những cam kết mạnh mẽ của người đứng đầu Chính phủ, đại diện khối doanh nghiệp tư nhân, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT cam kết sẽ cả đời khởi nghiệp, tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam, khối doanh nghiệp tư nhân sẽ tăng trưởng 15-20%/năm. 

"Ban đầu chỉ mang tiền đầu tư vào mấy nhà máy sản xuất của Kinh Đô, Hoà Phát…song giờ vốn hoá các doanh nghiệp đã lên tới vài tỷ USD. Vinacapital chủ yếu thu hút vốn nước ngoài, hiện vốn trong nước chỉ chiếm 10%. Tôi hi vọng, vốn trong nước sẽ nhiều hơn để ủng hộ cho doanh nghiệp Việt phát triển”. Ông Don Lam cam kết. 

Doanh nhân Vũ Văn Tiền nói mình từng khởi nghiệp từ 300.000 đồng nhưng đến nay đã có tổng tài sản 3 tỷ USD, nếu chính sách đúng đắn, hỗ trợ thì 10 năm nữa có thể tăng lên gấp nhiều lần. Đó chính là lời hứa, khát vọng được cống hiến cho kinh tế đất nước của doanh nghiệp tư nhân. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top