Tiếp tục phiên họp thứ 11, chiều 5/9 Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội đã thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.
Trước khi tiến hành thảo luận, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư pháp đã trình bày một số ý kiến về báo cáo nói trên.
Thiếu giải trình, gây hoài nghi
Theo nhóm nghiên cứu, về cơ bản, báo cáo đã được chuẩn bị nghiêm túc. Tuy nhiên, đối với một số mặt công tác phòng chống tham nhũng, báo cáo mới chỉ nêu ra một số cơ quan đơn vị, địa phương làm tốt mà chưa nêu được những nơi làm chưa tốt.
Ngoài thiếu địa chỉ, nhóm nghiên cứu cũng nhận xét, tại báo cáo của Chính phủ, số liệu về thiệt hại do tham nhũng gây ra được phát hiện qua thanh tra, kiểm toán vẫn chưa được tách bạch rõ ràng. Một số hạn chế tồn tại qua nhiều năm nhưng Chính phủ vẫn chưa đưa ra được những giải pháp mang tính đột phá để khắc phục.
Về những nội dung cụ thể, trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, nhóm nghiên cứu cho rằng một số văn bản pháp luật quy định chưa rõ ràng, thiếu khả thi, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi. Cơ chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, dễ bị lợi dụng để tham nhũng chưa được kịp thời khắc phục, nhất là trên các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đấu thầu, đầu tư, quản lý sử dụng tài sản công ... đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư kinh doanh.
Nhận định một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh vẫn còn có tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp, chậm công khai theo quy định của pháp luật, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đấu thầu, công tác quy hoạch, lập dự án. Một số vụ việc được báo chí nêu lên nhưng việc thực hiện trách nhiệm giải trình chưa đầy đủ, kịp thời... đã gây hoài nghi trong một bộ phận nhân dân, làm ảnh hưởng tới hiệu quả của công tác phòng ngừa tham nhũng.
Đáng chú ý, đây là thực trạng đã được Uỷ ban Tư pháp kiến nghị qua nhiều năm nhưng vẫn chậm được khắc phục.
Kê khai tài sản nhiều yếu kém
Về kê khai tài sản, thu nhập, nhóm nghiên cứu dẫn báo cáo của Chính phủ: số người đã kê khai tài sản, thu nhập năm 2018 là 1.136.902 người, đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai, số bản kê khai đã công khai là 1.134.685 bản, đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản kê khai.
Nhận xét của nhóm là số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai, việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm (giảm 56,4% so với năm 2017). Kết quả xác minh phát hiện 6 trường họp vi phạm (tăng 1 trường hợp so với năm 2017). Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là nhiều người không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng không bị kỷ luật...
Nhóm nghiên cứu cho rằng thực trạng việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua cho thấy, việc tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém, nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập nhưng không bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, pháp luật hiện hành còn thiếu các biện pháp bảo đảm hiệu quả việc kê khai, nhất là các biện pháp kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn nói riêng và của tòa xã hội nói chung; việc thực hiện thanh toán qua tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt kết quả còn hạn chế; chưa có cơ chế kiểm soát hữu hiệu để phát hiện, xử lý đối với những trường họp kê khai tài sản, thu nhập thiếu trung thực và chưa có cơ chế xử lý tài sản không giải trình được.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường cho biết, qua giám sát, phản ánh của dư luận cử tri và báo chí cho thấy, có biểu hiện "lợi ích nhóm" trong việc thực hiện quy tắc ứng xử, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Tại một số bộ, ngành, địa phương, việc lập, phê duyệt đoàn đi nước ngoài còn nhiều bất cập, có tình trạng lãnh đạo đi công tác nước ngoài nhiều lần, nhiều đoàn ra nước ngoài với nội dung khảo sát, học tập kinh nghiệm nhưng thực chất là để kết hợp đi tham quan, du lịch vẫn diễn ra.
Nhận định tiếp theo của nhóm nghiên cứu là việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ án, vụ việc tham nhũng được đưa ra xét xử, xử lý thời gian qua.
Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2018 có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng bị xử lý, giảm 10 người so với năm 2017. Trong khi đó, số vụ việc tham nhũng năm 2018 bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ tăng 26,7% số vụ, qua thanh tra tăng 52,2% số vụ, qua giải quyết khiếu nại, tố cáo tăng 100% số vụ, vụ án tham nhũng khởi tố mới 232 vụ tăng 37 vụ. Ngoài ra, qua thanh tra, kiểm toán phát hiện vi phạm hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng chục nghìn ha đất và riêng Thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 1.456 tập thể, cá nhân..., trong đó có những vụ liên quan đến tham nhũng.
Post a Comment