Trong khi đang mất cân đối về ngân sách, bội chi ngày càng cao, nợ công tăng thì sẽ xử lý nguồn lực cho chính sách mới về giáo dục như thế nào?
Đó là câu hỏi được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đặt ra khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), ngày 12/9.
Đây là dự án luật đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 26, quyết định chuyển dự án sửa đổi, bổ sung một số điều thành luật sửa đổi với một phạm vi sửa đổi rộng hơn, cơ bản, toàn diện hơn.
Với nhiều vấn đề còn ngổn ngang, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng quyết định thông qua tại ba kỳ họp thay vì hai kỳ như dự kiến ban đầu. Tại kỳ họp thứ 6 tới Quốc hội sẽ cho ý kiến lần 2 và dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5/ 2019).
Theo báo cáo của Chính phủ thì dự thảo luật bổ sung hai chính sách mới.
Một là không thu học phí đối với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh trung học cơ sở trường công lập và hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với trẻ em, học sinh diện phổ cập. Khi thực hiện chính sách này, hàng năm, tổng kinh phí ngân sách chi thêm 4.730 tỷ đồng.
Hai là nâng chuẩn trình độ được đào tạo đối với giáo viên mầm non từ trung cấp sư phạm lên cao đẳng sư phạm Tổng kinh phí đào tạo nâng chuẩn là khoảng 857,2 tỷ đồng, nếu thực hiện theo lộ trình 5 năm thì mỗi năm chi chỉ khoảng 171,4 tỷ đồng.
Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, nghị quyết Quốc hội nêu rõ là trong một thời gian trước mắt thì không ban hành chính sách mới. Nếu ban hành chính sách mới thì phải cân đối được nguồn lực.
"Tôi đọc dự án luật này thấy rất nhiều chính sách mới, rất rộng, không biết chúng ta đã quán triệt tinh thần này của Quốc hội đến mức độ nào? Nếu thực hiện chính sách này thì số tiền chi ra của ngân sách là bao nhiêu, có đảm bảo được không? .Trong khi tình hình đang mất cân đối về ngân sách, bội chi ngày càng cao, nợ công tăng, chúng ta sẽ xử lý vấn đề này như thế nào? ", ông Hiển đặt hàng loạt câu hỏi.
Liền sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng nêu câu hỏi về tác động của chính sách mới đối với ngân sách nhà nước.
Trong khi luật này vẫn tiếp tục khẳng định đầu tư cho giáo dục đào tạo là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, ban hành hàng loạt chính sách mới như thế này thì vẫn 20% hay 21% hay 22%, đánh giá tác động như thế nào? Chủ tịch Quốc hội băn khoăn.
Trả lời ngay, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết số tiền dành miễn học phí và cấp bù hay hỗ trợ cho các đối tượng ngoài công lập nằm trong 20% ngân sách tại thời điểm mà Bộ này tính toán. Tới đây khi Quốc hội pháp điển 20% ngân sách trong luật, Chính phủ có lộ trình và có tính toán, cân đối, ông Nhạ nói.
Về chi phí cho lộ trình nâng chuẩn giáo viên, Bộ trưởng cho biết tính ra mỗi năm mất 117 tỷ. Trong 6 năm, mỗi năm hơn 100 tỷ, chúng tôi thấy mức này có thể tham mưu Chính phủ cân đối được, Bộ trưởng quả quyết.
Khẳng định tài chính giáo dục chi 20% ngân sách là rất tốt, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh khi bàn tổng thể luật thì sẽ có một số nguyên lý của giáo dục phổ thông theo thế giới, trong đó có một nguyên lý là Nhà nước lo phần rất căn bản trở xuống, phần tài năng đặc biệt ở trên và phần cho người yếm thế trong xã hội, còn phân khúc cao thì chủ yếu các nước xã hội hóa rất nhiều.
"Chúng ta thì do rất nhiều chính sách từ trước đến nay gần như trường chuyên, lớp chọn chất lượng cao công hết. Do đó, dù có 20% tổng chi ngân sách cho giáo dục nhưng chi tiền lương cơ bản đã 80%, nhiều nơi 90%" Phó thủ tướng phân tích.
Theo Phó thủ tướng thì phải tạo ra phân khúc, không thể tư nhân hóa được, nhưng huy động xã hội hóa bằng cách giao tự chủ.
Tự chủ giáo dục phổ thông khác tự chủ đại học ở chỗ đại học không nhất thiết phải phân bổ mọi trường gần ngay nhà học sinh, nhưng phổ thông buộc phải phân bổ các trường phải gần nhà mọi người. Tất cả mọi người đều phải có cơ hội được đi học phổ thông, nhất là chúng ta phân biệt mức phổ cập và phổ cập bắt buộc, Phó thủ tướng phát biểu.
Về lộ trình miễn học phí, Phó thủ tướng cho biết Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục tính toán kỹ, nếu phổ cập trung học thì một năm cần bao nhiêu nghìn tỷ. Sau cùng Chính phủ quyết định đề nghị trình Quốc hội nguyên tắc như vậy, nhưng lộ trình thì phù hợp với trình độ phát triển và khả năng cân đối của ngân sách. Khả năng cân đối ngân sách cũng khẳng định không thể vượt quá 20%.
"Tôi đồng ý với Phó thủ tướng là phải có lộ trình, nhưng chưa thấy trình lộ trình của Chính phủ từ nay đến 2020, đến năm 2025-2030 thế nào, khi đất nước đang nghèo thì thế nào, giàu thì thế nào", Phó chủ tịch Phùng Quốc Hiển vẫn băn khoăn.
Phó chủ tịch khẳng định, ngân sách nhà nước không thể nào đủ sức để bao hết, phải có sự đóng góp của toàn dân thì mới có thể phát triển mạnh, có điều kiện để mở mang giáo dục.
Post a Comment