Đó là câu hỏi được Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu ra tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về giảm nghèo bền vững, ngày 17/9.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến hết năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 6,7% (giảm 1,53% so với cuối năm 2016), ước đến cuối năm 2018 còn dưới 6% (giảm khoảng 1,0-1,3% so với năm 2017).

Thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nêu con số, trong 3 năm (2016-2018), ngân sách Trung ương đã giao 21.597 tỷ đồng, bằng 52,1% tổng vốn cả giai đoạn 2016 - 2020 để thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, cùng với 60.111 tỷ đồng thực hiện các chính sách giảm nghèo thường xuyên.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra chỉ ra không ít hạn chế trong phân bổ, sử dụng nguồn lực, trong đó có việc chưa làm rõ kết quả huy động các nguồn vốn hợp pháp khác tham gia vào các chương trình, dự án giảm nghèo; chưa đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng Quỹ vì người nghèo ở trung ương và địa phương.

Nhấn mạnh một số vấn đề cần quan tâm, Uỷ ban thẩm tra cho rằng, tiêu chí đo lường nghèo bộc lộ một số bất cập, ảnh hưởng đến sự nhận diện chính xác, công bằng tình trạng nghèo. Quá trình tổ chức rà soát, bình xét hộ nghèo còn hạn chế do tình trạng nể nang hoặc trục lợi chính sách.

Mặt khác, kết quả phát hiện, xử lý các vi phạm pháp luật còn rất hạn chế, trong khi dư luận xã hội, báo chí phản ánh nhiều về các hành vi trục lợi chính sách, sai đối tượng, sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí, tham nhũng.

Cũng quan tâm đến quỹ người nghèo, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nhìn nhận, trên thực tế thì nguồn lực đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức phi Chính phủ tương đối lớn nhưng do nhiều đơn vị quản lý, khó phát huy được hiệu quả trong mục tiêu giảm nghèo bền vững. Bà Nga đề nghị báo cáo rõ thêm về tình hình tổ chức và hoạt động của quỹ vì người nghèo hiện nay.

Liên quan đến việc trục lợi trong thực hiện các chính sách giảm nghèo, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cho rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào cũng khó có thể có những quy định bịt được tất cả những kẽ hở, vì thế công tác thanh tra, kiểm tra rất quan trọng.

Bà Nga cũng nhấn mạnh việc dư luận và báo chí phản ánh nhiều về cán bộ đưa người thân không đúng với đối tượng, danh sách hộ nghèo để trục lợi chính sách hoặc các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, cây, con giống không phải là hộ nghèo hoặc sai phạm trong sử dụng vốn, thất thoát, lãng phí.

Nhiều bài báo phản ánh trên thông tin đại chúng là dê, bò đi vào nhà chủ tịch xã..., chúng tôi muốn biết sự thực tình trạng này đến như thế nào và có những con số xử lý như thế nào?", bà Nga đặt vấn đề.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời, trước đây xác định các hộ nghèo theo bình xét, Bộ trưởng đi kiểm tra thấy năm nay hộ này nghèo thì sang năm nhường cho hộ khác. Nhưng khi chuyển sang tiêu chí thì công khai, minh bạch hơn, tiêu chí nhà nào là cả thôn, cả bản biết ngay. Về cơ bản, đã khắc phục được tình trạng trục lợi như trước đây.

 Một số vụ việc báo chí nêu về trục lợi, theo Bộ trưởng chủ yếu là những chính sách hỗ trợ mà nguồn hỗ trợ không phải trong chương trình mục tiêu quốc gia.

"Nhưng có không? Vẫn có. Ví dụ một số xã của Nam Định, chủ tịch xã cho con đi làm con nuôi người khác rồi đưa vào nhận chính sách người nghèo, vừa qua có trường hợp chủ tịch xã phải đi tù vì chuyện này. Một số trường hợp khác khi phát hiện tất cả đều bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không nương tay với bất kỳ trường hợp nào", Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, con số cụ thể trong câu hỏi của Chủ nhiệm Nga thì Bộ trưởng không đề cập.

Băn khoăn của bà Nga về hình hình hoạt động của quỹ vì người nghèo cũng không có hồi âm từ Bộ trưởng.

Kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý: "Báo cáo của Chính phủ nói quỹ vì người nghèo ở Trung ương, địa phương chưa đánh giá rõ hiệu quả quản lý, sử dụng, trong khi nguồn lực đóng góp cho xã hội, của cộng đồng doanh nghiệp rất lớn, tôi đề nghị quan tâm chỗ này".

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top