Tôi 32 tuổi, công việc ổn định, đang có người yêu 40 tuổi, anh được chuẩn đoán bị chứng rối loạn lo âu, tình trạng ngày càng nặng.
Trải qua nhiều mối tình không đâu ra đâu, tôi nhận ra người yêu hiện tại không phải người hoàn hảo nhưng đối với tôi anh là lựa chọn tốt nhất. Cách đây khoảng 6 năm, anh từ một người tương đối thành đạt, khi có trong tay một công ty xây dựng nhỏ nhỏ, vợ đẹp và một bé trai ngoan ngoãn rồi sự nghiệp tiêu tan và gia đình tan nát.
Theo anh nhìn nhận, là do không giỏi quản lý tài chính, đeo bám nhiều dự án một lúc nên dẫn đến việc công ty anh phá sản đột ngột. Anh bán tháo công ty để gán nợ. Anh họp mặt người thân (gồm ba mẹ và vợ) để thông báo tình hình của mình nhưng bị sốc nặng khi ba mẹ quay lưng (kiểu sợ gánh nợ thay cho anh). Gia đình nhỏ của anh nhanh chóng tan nát sau đó không lâu. Tài sản chung của hai vợ chồng được thỏa thuận để lại cho con khi cháu bé trưởng thành. Thu nhập từ việc cho thuê tài sản trong thời gian này được xem như tiền chu cấp cho con.
Anh bước ra đường, chính thức thành người không gia đình, trầm cảm nặng, nhụt chí, chỉ kiếm sống bằng lao động chân tay. Để tự chữa trầm cảm, thời gian trống, anh tìm đến phật pháp, nghe kinh, niệm phật, ngồi thiền... Khi tinh thần tạm ổn, anh quay lại nhịp sống cũ, xin vào làm tại một công ty xây dựng cỡ nhỏ và chúng tôi gặp nhau. Trong giai đoạn tìm hiểu anh, tôi ngỡ ngàng đón nhận tin anh thất nghiệp, công ty (nơi anh làm việc) vì dịch mà toang.
Sau Covid, với một ít vốn liếng dành dụm được, anh mở quán chay, mục đích chỉ muốn kiếm sống qua ngày, ấy vậy mà một lần nữa phá sản sau 11 tháng cầm cự. Quán vắng, chịu tiền thuê nhà không nổi, anh sang nhượng quán. Được tôi động viên, anh đồng ý xin vào làm việc đúng chuyên môn nhưng vận may lại không bám theo anh. Vào môi trường tưởng chừng quen nhưng lại lạ, anh bị đồng nghiệp, quản lý dè chừng. Họ đề phòng, chơi xấu, thậm chí là đâm sau lưng anh. Hai năm vào công ty này, anh đã chuyển sang hai bộ phận khác nhau, nhưng nơi nào cũng bị tình trạng tương tự xảy ra.
Mỗi ngày chúng tôi luôn trao đổi, kể về công việc của nhau. Trong khi công việc của tôi tương đối êm đềm, gặp nhiều may mắn, còn anh phải đối phó với hàng loạt vấn đề từ khách hàng bên ngoài cho tới nội bộ công ty. Anh kể để một phần cho nhẹ lòng, một phần nghe ý kiến khách quan từ tôi, cũng từ đó tôi nhận ra:
Anh đang bị chính tâm lý của bản thân làm cho suy kiệt. Anh tự tạo áp lực lên bản thân, cố gắng chạy nhanh với thời gian để tìm kiếm cho mình một vị trí, một công việc ổn định. Anh căng thẳng và thường xuyên đau đầu, mất ngủ, ngủ không ngon giấc, tinh thần sa sút. Anh bị tổn thương quá nhiều từ lần thất bại trước, không phải vì mất mát tài sản, tiêu tan sự nghiệp mà suy sụp do sự quay lưng của người nhà. Những người mà khi thất bại anh cứ tưởng sẽ động viên mình làm lại.
Anh bắt đầu lại từ con số không, nhưng bề dày kinh nghiệm khá nhiều, kiến thức khá ổn, nên đồng nghiệp luôn dè chừng anh. Họ không tạo điều kiện, dường như đang hùa nhau dìm anh, chơi bẩn với anh.
Anh không đồng ý điều trị chứng rối loạn lo âu bằng thuốc tây. Chúng tôi cùng nhau đến cơ sở đông y thì chi phí lại quá lớn, ngoài khả năng của anh (anh không đồng ý dùng tiền của tôi, dù chỉ là mượn). Tôi cũng khuyên anh tìm đến cơ sở khác nhưng hiện tại chưa biết nơi nào phù hợp.
Tôi sẵn sàng ngồi bên cạnh nghe anh tâm sự, kể về những gì gặp phải trong một ngày làm việc, nhưng thật sự tôi cũng cảm thấy bế tắc và lo lắng. Những vấn đề anh nêu tôi không biết xử lý sao cho ổn, phải khuyên anh thế nào, chỉ nghe và cùng anh lo lắng. Tôi xác định sẽ bên cạnh anh, dù anh không có gì trong tay, anh không đơn độc như xưa nữa, chỉ cần anh có việc để làm là được. Nhiều lần tôi đã nói rõ quan điểm của mình cho anh hiểu nhưng áp lực thành công để trở thành người trụ cột trong anh quá lớn. Đối với người khỏe mạnh khác, nó là động lực, nhưng với một người đang mang tâm bệnh như anh nó lại là liều thuốc độc.
Làm sao để giúp anh vượt qua giai đoạn khó khăn này? Mong được các bạn chia sẻ cùng tôi, chân thành cảm ơn.
Hoài Ngọc