Tôi thật sự không hiểu sao mọi người dễ dàng bị lừa với số tiền mấy trăm triệu, mấy tỷ đồng như vậy?
Là độc giả VnExpress đã lâu, tôi thấy khá nhiều bài viết bị lừa tiền. Tôi 33 tuổi, là bà mẹ hai con, cũng bị các đối tượng lừa đảo gọi điện, nhắn tin làm nhiệm vụ nhiều lần nhưng chưa bao giờ mắc bẫy. Hôm nay, tôi xin kể câu chuyện của mình.
Có một lần, lúc rảnh rỗi, tôi lên mạng search: Nhân viên văn phòng tại Hà Đông. Hơn một tuần sau, có bạn nữ gọi điện nói là công ty đang có nhu cầu tuyển dụng, mấy hôm nữa sẽ có nhân viên HR gọi phỏng vấn tôi. Lúc ấy tôi rất vui vì không nghĩ mình lại may mắn như vậy. Sáng hôm sau, có bạn nam gọi điện cho tôi nói chuyện hơn một tiếng đồng hồ; cách ăn nói rất bài bản, chuyên nghiệp; dặn dò tôi lát nữa làm bài test hãy tự tin, mạnh dạn lên là sẽ được nhận vào làm. Công việc rất nhàn hạ, được đi muộn, về sớm, hợp cho các bà mẹ bỉm sữa,.... Lúc đó tôi vẫn chưa biết lừa đảo, cứ vâng dạ thôi. Sau đó, nó add tôi vào nhóm telegram, có khoảng ba bạn khác, chắc chắn là người của nó, rồi đội đó nhắn tin bảo làm nhiệm vụ và nhận tiền công 50 nghìn đồng, 100 nghìn đồng,....
Tới đây, tôi suy luận: "Một công ty lớn gọi điện để phỏng vấn làm bài test mà lại làm nhiệm vụ như thế này là sao? Đây có phải làm bài test đâu, là làm nhiệm vụ qua telegram mà. Không đúng. Lừa đảo rồi". Sau khi phân tích vấn đề, tôi nghi ngờ bọn này là lừa đảo nhưng vẫn nói chuyện bình thường và làm theo bọn nó chỉ dẫn. Sau khi làm nhiệm vụ được 100 nghìn đồng, lúc ấy đã khoảng 5h30-6h30 chiều, đội đó cứ nhắn tin liên tục giục tôi làm nhiệm vụ nhanh để được nhận vào làm tại công ty. Tôi lại suy luận: Công ty gì mà 5h30, 6h30 chiều nhân viên không nghỉ, cứ nhắn tin thế này, bọn này phiền quá, chắc chắn lừa đảo. Công ty thực sự sẽ làm việc chuyên nghiệp có giờ giấc, ai lại thế này. Sau đó tôi nhắn tin chửi cậu HR gọi điện lúc sáng và cậu đang giục tôi làm nhiệm vụ, rồi block nick chúng nó, xóa luôn telegram. Được 100 nghìn đồng, tôi đi mua kem ăn.
Vài tháng sau, rộ lên lừa đảo "Người mẫu nhí", tất nhiên tôi cũng là "nạn nhân" của bọn lừa đảo. Quảng cáo "Người mẫu nhí" lan tràn mạng xã hội. Tôi nhìn qua biết luôn lừa đảo bởi người mẫu nhí là tuyển chọn các bạn nhỏ có ngoại hình đẹp, tiêu chuẩn cao, chứ ai lại lên mạng xã hội tuyển tràn lan thế này. Làm người mẫu nhí mà dễ dàng như vậy, chúng nó sẽ cho con cháu làm đầu tiên, chứ không đến lượt con mình. Tuy nhiên, tôi vẫn nhắn tin đăng ký để xem cách thức lừa đảo của bọn này thế nào. Đầu tiên trao đổi qua zalo, đăng ký thông tin, sau đó chuyển mình qua nhóm telegram. Tôi vâng dạ làm theo chỉ dẫn, sau khi được 350 nghìn đồng, tôi rời nhóm, xóa telegram, mua bịch bỉm cho con.
Bẵng đi năm sau, có một đối tượng tự nhiên nhắn tin, kết bạn qua zalo, nhắn tôi có muốn kiếm tiền làm thêm ở nhà qua hình thức đầu tư không. Tôi biết ngay lừa đảo. Tôi có vô tri đâu tự nhiên nghe người lạ đầu tư nọ kia. Đầu tư dễ dàng kiếm tiền thế, họ sẽ cho họ hàng làm chứ không đến lượt mình. Tôi vẫn vâng dạ, kêu bạn giúp mình với. Sau khi trao đổi một hồi qua zalo, nó lại chuyển tôi qua telegram. Vẫn ình thức lừa đảo cũ nhưng có thêm chiêu trò mới là đọc lệnh mình làm theo. Tuy nhiên tôi rất bận công việc lại thêm con cái, không có thời gian "tiếp chuyện" bọn lừa đảo, nên sau khi kiếm được 150 nghìn đồng, tôi xóa nick telegram, chặn tin nhắn ở zalo. Được 150 nghìn, tôi mua chân gà rút xương khao cả nhà ăn.
Mấy tháng sau, tôi là "nạn nhân" bị lừa đảo qua facebook. Có một người nước ngoài "độc thân, giám đốc công ty, đẹp trai, có một cô con gái nhỏ" kết bạn với tôi và nhắn tin. Tôi biết ngay lừa đảo vì đơn giản lắm: Miếng ngon chả đến lượt mình và tại sao người đàn ông hoàn hảo vậy lại phải kết bạn, nhắn tin qua facebook để tìm người yêu. Đây chẳng là lừa đảo thì là gì. Nó hoàn hảo vậy sẽ tìm đến chân dài, rồi bận việc chả có thời gian để nhắn tin tìm gái đâu. Hơn nữa có điều kiện như vậy, tại sao nó lại phải nhắn tin yêu đương qua mạng với một bà mẹ ở Việt Nam như mình để làm gì, có mục đích gì? Nó là lừa đảo. Tôi biết vậy nhưng cũng tò mò xem cách thức lừa đảo của nó thế nào,nên vẫn nhắn tin qua lại. Tôi có kể cho chồng nghe, anh dặn cẩn thận. Trong quá trình nhắn tin, tôi cố tình viết sai chính tả để trêu nó, nói những câu vô nghĩa xem phản ứng,... Được hai ngày, tôi chán tới tận cổ, lại bận công việc và con cái nên dừng. Tôi chửi nó xong, block nick.
Lại lần nữa, có một cậu giả danh em trai tôi nhắn tin mượn tiền qua facebook. Tôi lấy làm lạ, vì mọi lần em trai tôi mượn tiền đều nhắn tin qua zalo. Tôi sinh nghi, lại đang làm việc nên cứ bơ tin nhắn vậy thôi. Rồi nó gọi video cho tôi, bảo chuyển tiền nhanh lên, có việc gấp. Tôi nghi lắm, vì em trai có bao giờ gọi video qua facebook với tôi đâu, nó dùng AI giả làm em trai nên nhìn giả trân kiểu gì đó. Tôi cứ ừ rồi gọi điện qua sim cho em trai, em bảo không hề mượn tiền tôi. Tôi nhắc em trai kiểm tra lại facebook, điện thoại.
Còn một số lần lặt vặt chúng nó gọi điện nữa,... Tôi thấy hình thức lừa đảo rất dễ nhận biết, chỉ cần suy luận chút là ra, thật sự không hiểu sao mọi người dễ dàng bị lừa với số tiền mấy trăm triệu, mấy tỷ đồng như vậy? Thật khó hiểu.
Phương Oanh