Mẹ muốn con cái cho nhiều tiền để làm từ thiện theo mong muốn; chúng tôi có thể lo cho bà chứ sao gánh vác cả xã hội được.
Mẹ tôi 80 tuổi. Sau hơn 40 năm sống ở miền Nam, giờ bà nhất quyết không chịu sống ở thành phố nơi con cái đang sống, đòi về nhà hương hỏa quê nội tôi ngày xưa để ở. Chúng tôi cũng chiều lòng bà, cho cô giúp việc đi cùng để chăm sóc bà, gửi chi phí ăn uống cho hai bà cháu 9 triệu đồng mỗi tháng (tiền thuê giúp việc, tiền thuốc, sữa, yến chúng tôi chi trả riêng). Tổng các khoản chi cho bà tầm 24 triệu đồng mỗi tháng. Ở làng quê, mức chi phí đó khá thoải mái cho hai người, thế nhưng mẹ tôi vẫn luôn than hết tiền, cứ gặp là hỏi tiền con. Thực lòng các anh em chúng tôi mỗi người đều tự tạo dựng cuộc sống cho riêng mình, không được hưởng thừa kế của cha mẹ do không có của để cho. Ba mất năm tôi 15 tuổi. Sau này tôi được anh trai lớn chu cấp tiền học đại học. Tiền đám cưới, mua tài sản, tất cả tôi đều chủ động, không nhờ vả gì ai.
Hai năm trước mẹ cho chị gái tôi hai chỉ vàng do chị cả trước đây vất vả lo cho em út, tôi mừng cho chị ấy. Nay bà đòi lại, lấy lý do chuẩn bị "chỗ để nằm". Tôi có nói nếu cần mẹ cứ nói, anh em con chuẩn bị cho mẹ, đừng đòi chị ấy làm gì mà mất tình cảm mẹ con. Bà bảo chị tôi không được nói với anh em về việc bà đòi lại vàng, nói thế anh em chúng tôi không cho tiền bà nữa. Tôi nghi bà đòi lại vàng để cho người khác, bà có cách nghĩ cứ cho người khác sẽ có phước, còn cho con cái thì không.
Chị gái tôi thời trẻ cũng làm công nhân, không giàu có gì. Mẹ tôi tính từ lúc trẻ đã thích coi bói, quan trọng chuyện mồ mả cúng kiếng, cả tin, ham làm phước, thương người, thích đi chùa. Bà đã làm khổ ba và anh em tôi nhiều bằng những yêu sách của mình. Giờ tôi nghĩ bà 80 tuổi, thôi ráng chiều bà nhưng cũng thấy mệt mỏi, bức xúc. Nói ra sợ người ta bảo mình bất hiếu, lo cho cha mẹ mà kể lể, thực lòng tôi cũng thấy mệt mỏi khi anh em tôi đã hết lòng lo cho bà nhưng không bao giờ khiến bà hài lòng và thấy đủ, công nhận tình cảm của con cái dành cho mình.
Tôi biết họ hàng ngoài quê và em gái bà ở gần hay kiếm chuyện bày ra làm, lúc xin xỏ, than nghèo kể khổ, lúc họ nói có chỗ này chỗ kia cần làm từ thiện, nói chung có nhiều người tìm cách bòn rút tiền của bà. Ngay từ khi tôi còn là một đứa trẻ, mẹ thường than khóc trước mặt tôi, xõa tóc tai rũ rượi, bỏ ăn chui vào một góc nhà khi gặp thất bại hoặc không như ý trong cuộc sống. Từ lúc đó, tuy là con gái út nhưng tôi đã cảm thấy khổ sở, tự nhận trách nhiệm phải xoa dịu cảm xúc cho bà. Sau này lớn lên, bà thường kỳ vọng về các anh trai tôi nhiều, kiểu như giàu, làm ra nhiều tiền mà cho bà ít. Hiếm khi nào bà khóc lóc trước mặt các anh, thường rên rỉ, khóc than trước mặt tôi.
Những năm trước đây, khi chưa lập gia đình, trước giao thừa tôi thường trốn vào công viên khóc vài tiếng đồng hồ do cảm giác bất lực, không khí ngột ngạt, đau buồn trong gia đình mình. Tốt nghiệp đại học, tôi cố gắng chăm sóc cho mẹ nhưng dường như càng gần bà, tôi càng bị tổn thương. Khi tôi lập gia đình, biết mẹ mình hay xét nét con dâu nên mua được nhà riêng là tôi mời về bà về ở chung để tiện chăm sóc, tránh làm phiền các chị dâu và giữ hòa khí cho các gia đình anh chị. Tuy nhiên trầm cảm lo âu của tôi cũng nặng lên từ đây. Đi du lịch nước nào tôi cũng xin phép cho mẹ đi cùng, đến nay bà đã được anh em tôi cho đi khoảng 15 nước. Tôi thấy có gì ngon cũng mua cho bà ăn, thế nhưng ăn một miếng ngon, bà càng khóc to. Bà nói mình ăn ngon làm gì khi ngoài quê người ta không có ăn.
Tôi đi làm thì thôi, về nhà hỏi thăm bà ăn có được không, ngủ có được không, bà sẽ xị mặt, đau khổ, nhìn rất chán đời. Trong khi ở nhà chị giúp việc nói bà ăn được. Tôi cứ theo hỏi, lăng xăng chạy theo cảm xúc của mẹ, luôn cảm thấy mình không đủ tốt, cảm giác tội lỗi, tự ti rồi sau đó phải điều trị rối loạn lo âu, trầm cảm.
Định kỳ chúng tôi vẫn làm từ thiện nhưng chừng mực, còn mẹ nghe người lấy rác đi ngang than hoàn cảnh là vào nhà lấy một triệu đồng cho họ. Cứ thế qua năm tháng mẹ khóc lóc, tôi chạy theo vỗ về cảm xúc của bà, chiều lòng bà là cho thêm nhiều tiền mặt là bà vui; còn dẫu có lo quần áo đẹp, thuốc men, ăn uống, đi du lịch bà vẫn thấy đời mình bất hạnh, khổ suốt cuộc đời, con cái bất hiếu, không ra gì. Không biết đến khi nào mình được công nhận là người con có hiếu. Cám ơn mọi người đã lắng nghe tôi tâm sự.
Hồng Hoa
Post a Comment