Tôi là người phụ nữ bình thường, sống trách nhiệm, yêu thương con cái, nhưng lại không được thừa nhận là vợ, thậm chí là người yêu (từ khi những đứa con ra đời), con của tôi chưa bao giờ được gọi tiếng “cha”. Ngày còn đôi mươi, nhan sắc mặn mà, biết bao anh theo đuổi, vậy mà khi tôi gặp anh, chỉ mến anh thôi, dại dột tin vào những lời hứa hẹn để rồi có với anh một đứa con khi chưa kết hôn. Từ khi đứa con ra đời cũng là lúc những lời hứa ấy cùng anh theo gió bay đi. Anh kết hôn với người phụ nữ giàu có khác. Tôi một mình nuôi con, anh không chút hỗ trợ, kể cả tinh thần lẫn vật chất.

Thời gian sau, một người đàn ông khác đến với cuộc đời tôi, là người có tri thức, tôi đã nghĩ anh tử tế. Nghe tin tôi có bầu, lúc đầu anh cũng nửa nạc nửa mỡ, rồi sẽ kêu cha mẹ đến nhà dạm hỏi, nhưng thực chất là để chờ xem đó là con trai hay con gái. Anh không một chút chăm sóc, không một ly sữa bầu cho tôi. Lúc được tin đứa bé là con gái, anh lặng lẽ không liên lạc, đi cưới một người phụ nữ khác. Tôi lại một mình nuôi con.

Lần thứ ba, cứ nghĩ ông trời đã thấy tôi đủ tội nghiệp, mang đến cho tôi một người thường xuyên đi chùa, lúc nào cũng nói chuyện đạo lý, phật pháp, điều đó khiến tôi tin rằng cuối cùng thì mình cũng tìm được người đàn ông thật sự. Tôi đã dùng thuốc tránh thai nhưng tỷ lệ 5% không thành công của thuốc lại rơi trúng tôi. Tôi một lần nữa mang bầu ngoài ý muốn. Người đàn ông lúc nào cũng nói chuyện phật giáo kia cũng như hai người đàn ông trước, lặng lẽ cắt liên lạc, đi theo người phụ nữ có tiền khác, để một mình tôi mang nặng đẻ đau, nuôi ba đứa con.

Tôi oán trách, ông trời sao nhẫn tâm, hay tại vì tôi quá ngu dại? Tôi quyết định đòi hỏi công bằng bởi tôi tin nếu không có tình người thì ít nhất còn có pháp luật. Tôi muốn ba người đàn ông kia phải có trách nhiệm với con của mình. Tôi đã gặp họ, nói về luật Hôn nhân và Gia đình: “Cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Mức cấp dưỡng cho con do cha, mẹ thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”. Tuy nhiên, bọn họ đều tỏ ra rất khinh thường luật pháp, thách tôi nếu có kiện thì cũng sẽ chỉ tốn tiền xét nghiệm ADN, tiền luật sư, nhưng kết quả sẽ không nhận được một đồng cấp dưỡng nào cả. Bởi vì họ là những người, nếu không phải là quá giàu để che công lý, thì cũng là quen biết tòa án, công an. Một người khác thì trước đây từng ra toà, cũng bị yêu cầu cấp dưỡng, nhưng cuối cùng lúc có lúc không, cũng có sao đâu, có tòa án pháp luật nào trị đâu mà sợ.

Tôi đang rất hoang mang và tự hỏi, có bao nhiêu người phụ nữ cũng bất hạnh giống mình, đang phải nuôi con nhọc nhằn một mình, chỉ trông chờ một chút lương tâm con người, hoặc chí ít thì vào luật pháp. Nhưng có lẽ, chẳng ai giúp được chúng tôi, phải không?

Hòa

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top