Kế hoạch giải cứu Trái Đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) được so sánh với bộ phim Armageddon (tạm dịch là Ngày tận thế) có sự tham gia của tài tử Bruce Willis nổi tiếng.

Không còn chỉ có trên những bộ phim viễn tưởng, NASA hiện đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ mới đầy tham vọng. Đó là sứ mệnh thử nghiệm để làm lệch hướng hoặc đẩy lùi một tiểu hành tinh ra khỏi quỹ đạo bay trước khi nó va chạm vào Trái Đất.  

htinhNASA thử nghiệm làm lệch quỹ đạo tiểu hành tinh. Ảnh: NASA

Thử nghiệm táo bạo này của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ được gọi là DART (Double Asteroid Redirection Test), dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2024.

Trên thực tế, theo chia sẻ của NASA thì sẽ không có bất kỳ phi hành gia nào tham gia vào thử nghiệm này.

Nếu thành công thì việc giải cứu Trái Đất thoát khỏi những “cuộc đụng độ” đến từ bên ngoài vũ trụ sẽ không còn là điều xa vời, chỉ có trên phim ảnh nữa.

Theo NASA, các nhà nghiên cứu đang tiến hành giai đoạn thiết kế sơ bộ để tiến hành nhiệm vụ đầu tiên của DART nhằm thử nghiệm kỹ thuật làm lệch hướng một tiểu hành tinh trong không gian.

Thử nghiệm va chạm tiểu hành tinh

Cụ thể, mục tiêu của cuộc thử nghiệm là hệ tiểu hành tinh “song sinh”, bao gồm tiểu hành tinh lớn Didymos A và tiểu hành tinh nhỏ Didymos B quay quanh nó.

Trước đó, tiểu hành tinh Didymos được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1996 và được dự đoán là sẽ “tiệm cận” Trái đất vào tháng 10 năm 2022.

Khi hai hệ tiểu hành tinh này quay trở lại vào năm 2024, NASA sẽ sử dụng tàu vũ trụ không người lái DART va chạm với tiểu hành tinh Didymos B.

Các chuyên gia của NASA đã tiến hành theo dõi Didymos kể từ năm 2003 và nhận thấy Didymos B là ví dụ điển hình cho các tiểu hành tinh có khả năng tạo ra hiệu ứng đáng kể nếu nó va chạm với Trái Đất.

Andy Cheng, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins, nhận định: “DART là một bước tiến quan trọng trong việc chứng minh chúng ta có thể bảo vệ hành tinh của mình khỏi sự tác động của các tiểu hành tinh trong tương lai”.

Trong khi đó, Tom Statler, nhà khoa học tham gia dự án DART cho rằng: "Didymos có thể được ví như một phòng thí nghiệm tự nhiên hoàn hảo cho cuộc thử nghiệm này. Bởi vì,trên thực tế, Didymos B có quỹ đạo bay xung quanh Didymos A nên kết quả của cuộc thử nghiệm sẽ rất dễ dàng thấy được ảnh hưởng của nó và đảm bảo rằng thử nghiệm cũng không làm ảnh hưởng tới quỹ đạo bay của hệ tiểu hành tinh này quanh Mặt Trời”.

Theo chia sẻ của NASA, vụ va chạm này sẽ diễn ra với tốc độ tương đối khủng khiếp với khoảng 6 km/s, cao gấp 9 lần so với vận tốc của một viên đạn.

phiTàu DART có kích thước nhỏ hẹp nhưng đủ khả năng để làm thay đổi tốc độ bay của tiểu hành tinh. Ảnh: NASA

Bên cạnh đó, tàu vũ trụ  DART có kích cỡ nhỏ hẹp thì khả năng chiếc tàu sẽ tan tành sau vụ va chạm với Didymos là rất cao.

Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học, vụ va chạm này đủ để thay đổi tốc độ bay của tiểu hành tinh Didymos B.

Thậm chí, chỉ cần Didymos B bay chậm lại dù chỉ một chút thì cũng đủ để thay đổi quỹ đạo bay của tiểu hành tinh này xung quanh Didymos A. Đây sẽ là bằng chứng xác thực nhất để chứng minh khả năng hiệu quả của kỹ thuật va chạm động lực học trong bối cảnh thực tiễn bên ngoài phòng thí nghiệm.

“Do chúng tôi không biết nhiều về cấu trúc bên trong của các tiểu hành tinh nên cuộc thử nghiệm này là rất quan trọng”, Andy Cheng nói,

Nguồn video: Sciencealert

Các nhà khoa học của NASA cho biết, nếu mọi thứ diễn ra theo đúng kế hoạch và cuộc thử nghiệm thành công thì chúng ta sẽ biết thêm nhiều điều về về kỹ thuật va chạm động lực học, cũng như có thể tìm ra giải pháp thích hợp để “đánh bay” các tiểu hành tinh hoặc thiên thạch gây nguy hiểm cho Trái Đất.

Trước nhiều nguy cơ tiềm ẩn bên ngoài vũ trụ thì công tác chuẩn bị này cần phải được tiến hành càng sớm càng tốt.

DART đang được thiết kế và sẽ do phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng Johns Hopkins (APL) ở Laurel thuộc tiểu bang Maryland (Mỹ) xây dựng và quản lý.

Hằng Nguyễn (Theo Mirror, Sciencealert) / Tin nhanh Online

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top