Ngày nay, câu nói vốn là ‘khẩu hiệu’ của một số cơ sở kinh doanh giáo dục: “Đừng để con cái thua ngay từ vạch xuất phát” đã trở thành câu cửa miệng của rất nhiều bậc phụ huynh châu Á. Họ vô tình bị cuốn vào cuộc đua giáo dục con cái ngay từ khi chúng còn chưa chào đời, mới 1-2 tuổi đã bắt đầu dạy học chữ; 3-4 tuổi cho đi học đàn, học vẽ, học tiếng Anh. 

Rồi lại nghĩ trăm phương ngàn kế để con được vào học trong những trường mầm non tốt nhất, trường tiểu học tốt nhất; không tiếc tiền bạc cho con tham gia vào các lớp bồi dưỡng tài năng. Họ cho rằng nếu con thua thiệt ngay từ vạch xuất phát thì cả cuộc đời này chắc chắn sẽ thua cuộc.

Nếu coi cuộc đời là một cuộc đua thì vạch xuất phát đúng là có tồn tại. Nhưng thực tế cuộc đời là một hành trình chứ không phải một cuộc đua. Hơn nữa, nếu tranh thủ từng giây từng phút ngay ở vạch xuất phát chỉ có ý nghĩa đối với chạy cự ly 100 mét, còn đối với chạy cự ly dài thì thắng thua quyết định ở sự dẻo dai chứ không phải ở việc xuất phát nhanh hay chậm. 

Và cuộc đời, nếu coi nó như một cuộc đua thì đó cũng phải là cuộc đua đường dài hoặc marathon, chứ không thể là một cuộc đua chạy ngắn.

Đối với cuộc đua marathon, việc cạnh tranh ngay từ vạch xuất phát thực sự không quan trọng, thậm chí thành tích của nửa đầu chặng đua cũng không quá quan trọng. Vì marathon đòi hỏi vận động viên phải có thể lực dẻo dai, tính kiên nhẫn, phối hợp toàn diện và khả năng ứng phó linh hoạt trong suốt chặng đua.

 Những người sốt sắng mong đạt được thành tích tốt, cố chạy thục mạng để dẫn đầu ngay từ đầu chắc chắn sẽ mất dần thể lực giữa đường và không thể trở thành người chiến thắng chung cuộc. Chỉ những vận động viên có sức khỏe dẻo dai, tố chất tâm lý ổn định, chiến thuật toàn diện, luôn bình tĩnh vững vàng mới có thể giành được chiến thắng. Và nụ cười sau cùng mới là nụ cười đẹp nhất.

Xuất phát chậm không có nghĩa bạn sẽ thua cả chặng đua. Người Do Thái từng nói thế này: “Dù bạn có là ốc sên đi chăng nữa, nếu có thể bò lên được đỉnh núi thì phong cảnh bạn nhìn thấy cũng giống như thứ mà một con chim ưng nhìn thấy.” 


Nếu người dẫn trước chạy bước nhỏ thì bạn hãy chạy một bước thật lớn, như vậy khoảng cách giữa hai người sẽ dần được thu hẹp, và sớm muộn gì bạn cũng sẽ đuổi kịp, thậm chí còn vượt qua họ. Như vậy, bạn hoàn toàn vẫn có khả năng trở thành người chiến thắng chung cuộc.

Yếu tố cốt lõi của chạy đường dài nằm ở khả năng duy trì sự dẻo dai về thể lực. Nó cũng giống như việc học kiến thức của trẻ. Khi khả năng đọc của trẻ vẫn chưa phát triển tương xứng, các vị phụ huynh đã vội nhồi nhét những kiến thức không phù hợp với lứa tuổi thì chẳng những trẻ sẽ khó tiếp thu mà thậm chí còn cảm thấy chán ghét. 

Thước đo sự thành công của giáo dục không nằm ở điểm số, mà nằm ở việc đánh giá xem trẻ có hứng thú với việc học tập hay không. Nếu trẻ ngày càng hứng thú với những kiến thức được học thì tức là việc giáo dục đã thành công, ngược lại nghĩa là thất bại. Và mức độ hứng thú của trẻ với kiến thức được học không chỉ được quyết định bởi phương pháp truyền thụ của thầy cô giáo, mà còn ở khả năng tiếp thu của trẻ, vì vậy bắt trẻ học quá nhiều thứ khi còn quá sớm rõ ràng là lợi bất cập hại.

Mỗi một đứa trẻ có quy luật trưởng thành riêng của mình. Các chuyên gia cho rằng, 3 tuổi là thời kỳ trẻ tư duy bằng trực giác, 5 tuổi bắt đầu tư duy hình tượng, và 8-12 tuổi là thời kỳ trẻ có trí nhớ tốt nhất. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những bé được học chữ trước khi vào lớp một sẽ có thành tích nổi trội hơn các bé khác về môn ngữ văn, nhưng đến năm lớp hai, trình độ giữa chúng và những bé chưa được học chữ trước là ngang nhau, và thậm chí những bé chưa được học trước còn có xu hướng vượt trội hơn.

Chính vì vậy, hiện nay có rất nhiều người đang kêu gọi không nên dạy trẻ học kiến thức khi vẫn đang trong giai đoạn mẫu giáo. Một ví dụ khác về việc vẽ tranh, phải lên 8 tuổi trẻ mới bắt đầu có thể quan sát và biểu đạt sự vật nhìn thấy theo góc nhìn của người lớn, trước đó, trẻ chỉ vẽ và biểu đạt bằng tư duy trực giác cá nhân của mình. Do đó, nếu để trẻ học kỹ thuật hội họa quá sớm, nói với trẻ rằng mặt trời phải hình tròn, mây phải màu xanh thì đó không những là hành động giết chết trí tưởng tượng của trẻ, mà còn lãng phí thời gian. 

Vì vậy, thay vì việc đưa con đến những lớp học vẽ, các bậc phụ huynh hãy chuẩn bị sẵn bút màu và cho chúng ngồi ở nhà để tự do phát huy trí tưởng tượng của mình.

Ngoài trình độ học vấn, đây là thứ các bậc cha mẹ cần học người Do Thái phát triển từ nhỏ nếu muốn con có địa vị trong xã hội

Thảo Nguyên

Theo Trí Thức Trẻ

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top