Đại biểu Vũ Trong Kim phát biểu tại phiên họp.

"Tham nhũng tràn lan, dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ông nào tham nhũng, kể cả cán bộ công chức, nhưng xử lý quá ít" - đại biểu Vũ Trọng Kim phát biểu về báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 của Chính phủ.

Sáng 6/9, trong phiên họp toàn thể lần thứ 7, Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về báo cáo nói trên.

Theo đánh giá của Chính phủ thì năm 2017 tham nhũng nhìn chung vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi. Chính phủ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục có dấu hiệu giảm.

Nhìn vào những số liệu được nêu tại báo cáo, đại biểu Vũ Trọng Kim bình luận: tham nhũng tràn lan, dân đếm được cán bộ huyện, cán bộ tỉnh ông nào tham nhũng, kể cả cán bộ công chức. Nhưng xử lý quá ít, chỉ 25 người đứng đầu bị kiểm điểm phê bình vì để cho tình trạng tham nhũng ở cơ quan xảy ra, mấy triệu đảng viên mà chỉ có 3 người bị xử lý về kê khai tài sản. 

"Như vậy nên rút đi vì người dân sẽ nói ông làm hời hợt quá. Đây là con số không thể nào tin được. Như vậy là thoát tội hết, kể cả ở cơ quan trung ương" - ông Kim phát biểu.

Vẫn theo nhận xét của ông Kim thì ở Trung ương, Tổng bí thư chủ trì rất quyết liệt, cơ quan nào cũng nói phòng chống tham nhũng, nhưng anh này chống tham nhũng, anh kia chống lưng, không biết anh nào chống thật anh nào chống giả. Vì vậy phải sớm tổ chức ra đơn vị chống tham nhũng chuyên trách, làm việc có hiệu quả, không để bị níu kéo, trì trệ, một vụ án giải quyết mấy năm trời không xong.

Nhận xét của đại biểu Nguyễn Thái Học là đánh giá tại báo cáo của Chính phủ không sát, số liệu không thống nhất, nguyên nhân chung chung và giải pháp không mang tính đột phá.

Chính phủ nhận định tình hình tham nhũng giảm nhưng số liệu các vụ án tham nhũng lại tăng so với năm 2016. Ngay trong số liệu, các báo cáo khác nhau lại có số liệu khác nhau. Như vậy là tình hình tham nhũng tăng hay giảm? - ông Học đặt vấn đề.

Rồi công tác phát hiện phòng chống tham nhũng ở địa phương chưa mạnh mẽ quyết liệt, vậy ở trung ương đã quyết liệt chưa? Không phải tập trung một số vụ án lớn như vừa qua là công tác phòng chống tham nhũng mạnh mẽ. Nhiều vụ việc còn phức tạp hơn - đại biểu Học nói tiếp.

Cùng băn khoăn với đại biểu Kim, ông Học nhấn mạnh: thực hiện chỉ thị 50 của Bộ Chính trị là phải xử lý người đứng đầu, nhưng cả năm 2017 chỉ có 25 người bị xử lý. Khi không xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu thì công tác phòng chống tham nhũng không thể tiến lên được.

Đề nghị Chính phủ khẳng định rõ tham nhũng có giảm hay không?. Chính phủ cần làm rõ hơn căn cứ dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 sẽ tiếp tục giảm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nói.

Hồi âm băn khoăn của các vị đại biểu Quốc hội, Phó tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn nói, nhận định trên không nhằm mục đích khẳng định tình hình tham nhũng năm 2017 giảm hơn năm 2016 hay dự báo tình hình tham nhũng năm 2018 giảm hơn năm 2017.

Việc so sánh tình hình tham nhũng giữa các năm tăng hay giảm là nội dung phức tạp và rất khó thực hiện do độ ẩn của hành vi tham nhũng và thiếu những công cụ đo lường tin cậy, có tính chất thuyết phục cao. Nhận định, dự báo nêu trên được diễn đạt chỉ nhằm mục đích thể hiện xu hướng của tình hình tham nhũng trước những nỗ lực và các tác động tích cực của công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được trong kỳ báo cáo - ông Huấn nói. 

Phó tổng thanh tra trình bày: thực tế từ cuối năm 2016 đến nay, với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng và nỗ lực của các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là việc kiên quyết điều tra, xử lý nghiêm các vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ trong dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân.

Thực tế này, theo Phó tổng thanh tra đồng thời có tác dụng răn đe rõ rệt, vừa cảnh tỉnh, cảnh báo, ngăn chặn tham nhũng vừa khích lệ các nhân tố tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng.

Kết quả tích cực trên các mặt công tác phòng, chống tham nhũng chính là những dấu hiệu, chỉ báo về xu hướng giảm của tình hình tham nhũng trong thời gian tới - ông Huấn giải thích.

Lãnh đạo thanh tra cho biết, qua các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng đã được phát hiện, xử lý, Chính phủ, các ngành, các cấp đã nhận diện được những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách và nhất là trong khâu tổ chức thực hiện, thanh tra, kiểm tra, giám sát…. Từ đó đã kịp thời có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục nên năm 2017 cũng như thời gian tới sẽ khó có thể xảy ra các vụ việc nghiêm trọng tương tự.

Cho rằng việc chuẩn bị báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 được tiến hành cơ bản như việc chuẩn bị báo cáo năm 2016 nên chưa thực sự làm toát lên được những thay đổi nổi bật, ông Huấn nói báo cáo của Chính phủ tuy đã phản ánh khá đầy đủ, toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng, nhưng một số nội dung báo cáo còn chung chung, thiếu địa chỉ cụ thể, nhất là những nội dung còn hạn chế, yếu kém. 

“Một số nội dung nhận xét, đánh giá còn chưa thực sự sát với tình hình, nhất là việc phân tích một số nguyên nhân của tình hình tham nhũng và những hạn chế, yếu kém trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa rõ, thiếu những nguyên nhân về mặt chủ quan. 

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại phiên thẩm tra, ông Huấn cho hay, Thanh tra Chính phủ sẽ chú trọng khắc phục tối đa những hạn chế nêu trên khi tham mưu giúp Chính phủ hoàn thiện báo cáo phòng, chống tham nhũng năm 2017 trình Quốc hội.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top