Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế học sinh sinh viên, đòi hỏi sự gắn kết của 3 ngành: Bảo hiểm xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng và không thể thiếu trong việc góp phần chăm sóc sức khỏe và giáo dục toàn diện cho các em học sinh, sinh viên.

Bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên là chính sách giữ vai trò quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ. Những năm qua, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên trên cả nước. Trong đó, công tác tuyên truyền được chú trọng triển khai nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh,sinh viên về mục đích, ý nghĩa, trách nhiệm, quyền lợi, mức hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Ngành bảo hiểm xã hội cũng có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo trong việc thực hiện các giải pháp chỉ đạo, nâng cao vai trò, trách nhiệm của ngành giáo dục, các cơ sở giáo dục cũng như đội ngũ cán bộ, giáo viên trong triển khai thực hiện bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên…

Nếu năm học 2010-2011, toàn quốc mới chỉ có khoảng 70% số học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, thì đến năm học 2016- 2018 tỷ lệ học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đã đạt 93,5% với khoảng 16,5 triệu em, trong đó 12,3 triệu em tham gia tại nhà trường và 4,2 triệu em tham gia theo các nhóm đối tượng khác như người nghèo, cận nghèo, thân nhân quân nhân…

Theo bà Nguyễn Thị Nghĩa, hiện vấn đề chăm sóc sức khỏe của cộng đồng nói chung, của học sinh, sinh viên nói riêng đã và đang được xã hội ngày càng đặc biệt quan tâm. Hơn nữa, quỹ bảo hiểm y tế lại là nguồn tài chính chủ yếu đáp ứng phần lớn kinh phí của hoạt động y tế trường học. Số kinh phí từ quỹ bảo hiểm y tế dành cho y tế trường học tăng dần qua các năm học; mạng lưới y tế trường học dần được xây dựng mới và hoàn thiện.

"Học sinh, sinh viên là đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc, nhưng lại được Nhà nước hỗ trợ tới 30% mức đóng, nên đã phần nào giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế cho các phụ huynh khi đăng ký tham gia bảo hiểm y tế cho con em mình", bà Nghĩa nói.

Mặc dù thực tế đã cho thấy ngày càng rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách bảo hiểm y tế đối với học sinh,sinh viên, nhưng việc tiến tới mục tiêu 100% học sinh,sinh viên tham gia bảo hiểm y tế vẫn còn gặp không ít khó khăn.

Nguyên nhân chung, phổ biến của tình trạng học sinh,sinh viên, nhất là sinh viên tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ thấp là do đây là nhóm đối tượng đang ở độ tuổi có sức khỏe tốt, ít mắc các bệnh mãn tính nên không chú trọng đến việc cần phải có bảo hiểm y tế; có học sinh, sinh viên còn tỏ thái độ xem thường, coi nhẹ việc mua bảo hiểm y tế. Phần lớn sinh viên chỉ tham gia trong năm đầu tiên nhập học, khi bị thúc ép ráo riết của nhà trường.

Bên cạnh đó, đối tượng học sinh, sinh viên chưa làm ra tiền, còn phụ thuộc vào sự chu cấp của gia đình, còn thiếu thốn nhiều cho nhu cầu sinh hoạt, vui chơi, giải trí nên khi có được khoản tiền từ cha mẹ theo định kỳ thì luôn dành ưu tiên cho các nhu cầu khác và thường không quan tâm đến việc tham gia bảo hiểm y tế.

Ông Trần Đình Liệu, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, chia sẻ, dù đã có quy định "bắt buộc" tham gia bảo hiểm y tế, nhưng các cơ sở giáo dục vẫn chưa có biện pháp ràng buộc học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, dẫn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế còn chưa đồng đều tại một số địa phương.

"Đối tượng sinh viên, đặc biệt là sinh viên từ năm thứ 2 trở đi tham gia bảo hiểm y tế chưa cao (chiếm tỷ lệ khoảng 70%- 80%). Ngoài ra, theo quy định đối tượng học sinh cuối cấp có thời hạn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế đến hết tháng 6 của năm học đó. Do đó, hằng năm có khoảng 900.000 em học sinh lớp 12 bị gián đoạn thời gian tham gia bảo hiểm y tế từ tháng 7 đến khi nhập học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng", ông Liệu cho biết.

Để thực hiện tốt bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, đảm bảo phát triển cả số lượng cũng như tính bền vững qua các năm ngoài nỗ lực của ngành bảo hiểm xã hội cần sự vào cuộc mạnh mẽ và trách nhiệm hơn nữa của các cơ quan liên quan. Bà Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, đòi hỏi sự gắn kết của 3 ngành: Bảo hiểm xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Y tế.

Còn ông Trần Đình Liệu thì khẳng định, trong thời gian tới, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục đào tạo từ Trung ương đến địa phương; đưa tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và việc chấp hành pháp luật của học sinh, sinh viên đảm bảo năm 2018 đạt 100% học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế. Thực hiện thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên theo đúng quy định; đối với sinh viên mới nhập học, học sinh chuyển cấp, mới vào lớp 1 thực hiện thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên của những tháng còn lại năm 2018.

Đối với học sinh,sinh viên đã thực hiện thu theo năm tài chính thì tiếp tục thực hiện thu vào cuối năm 2018; cơ sở giáo dục thu tiền đóng của học sinh, sinh viên theo phương thức linh hoạt 3 tháng, hoặc 6 tháng, hoặc một năm một lần nộp vào quỹ bảo hiểm y tế. Chỉ thực hiện thu bảo hiểm y tế một lần năm 2019 nếu học sinh, sinh viên có nguyện vọng và tự nguyện đóng. Kịp thời xét duyệt và trích, chuyển kinh phí thù lao thu bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên, xác định và chuyển kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các cơ sở giáo dục đủ điều kiện theo quy định.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật bảo hiểm y tế đến học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh thông qua Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Đội thiếu niên tiền phong. Về trách nhiệm của mình, ngành bảo hiểm xã hội tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng đơn giản, thuận tiện cho học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế.

Theo đó, đối với học sinh, sinh viên đã có mã số bảo hiểm xã hội, khi tham gia bảo hiểm y tế không phải lập tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế mà chỉ nộp tiền theo quy định; cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện việc ghi giá trị sử dụng thẻ bảo hiểm y tế tương ứng với số tiền đóng vào cơ sở dữ liệu và không thực hiện cấp lại thẻ bảo hiểm y tế.

Với học sinh, sinh viên chưa có mã số bảo hiểm xã hội, cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu và cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top