Cơ quan thẩm tra nhận xét phương án của Chính phủ chưa giải quyết được bản chất vấn đề, Phó thủ tướng nói phương án của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được bất cập thực tế...
Còn đại biểu Quốc hội lo ngại, nếu cứ tiếp tục phân biệt quy mô to nhỏ hay loại hình công, tư thì sẽ giết chết sự sáng tạo.
Tiếp tục gây tranh cãi ngay từ đầu phiên họp, dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được tăng thời gian lên trọn ngày 7/9, thay vì một buổi sáng như kế hoạch.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ không tham dự do đi công tác vắng, nhưng Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có mặt từ đầu phiên họp.
Như thường lệ thì Phó thủ tướng sẽ phát biểu vào cuối phiên họp, nhưng lần này ông Vũ Đức Đam đăng đàn rất sớm.
Đó là khi Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã đặt câu hỏi về vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra, liên quan đến mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học.
Hai loại ý kiến về mô hình
Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết hiện có hai loại ý kiến khác nhau về vấn đề này.
Loại ý kiến thứ nhất của cơ quan thẩm tra đề nghị quy định thống nhất, mạch lạc mô hình hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học và đại học (hệ thống các trường đại học).
Theo đó, hạt nhân cơ bản của hệ thống giáo dục đại học là trường đại học có cơ cấu tổ chức bên trong gồm các trường chuyên ngành, các khoa, bộ môn và các tổ chức cần thiết khác phục vụ cho hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ tùy theo nhu cầu của nhà trường.
Luật quy định các trường đại học tùy theo nhiệm vụ, chức năng, sứ mệnh, tự nguyện hoặc được nhà nước quy định kết hợp, sáp nhập với nhau tạo thành một tổ hợp/hệ thống các trường đại học hoặc khi một trường đại học tự lớn mạnh lên và thành lập hệ thống các trường đại học thì được hình thành một Đại học. Hệ thống này được quản lý, vận hành trên cơ sở chia sẻ trách nhiệm và lợi ích chung, được luật pháp bảo vệ và có những quyền tự chủ của hệ thống, ông Bình cho biết.
Loại ý kiến thứ hai của cơ quan soạn thảo đề nghị quy định hệ thống cơ sở giáo dục đại học gồm có đại học, trường đại học, học viện và các cơ sở giáo dục đào tạo có tên khác phù hợp với quy định của pháp luật, gọi chung là đại học.
Bình luận rằng quy định này có vẻ tường minh, công bằng khi coi tất cả các cơ sở giáo dục đại học đều có cơ hội như nhau về lựa chọn mô hình phát triển là Đại học và phân biệt với nhau chỉ thông qua nhiệm vụ được giao, tuy nhiên, cơ quan thẩm tra lưu ý là trong thực tế vẫn tồn tại các thực thể được gọi là cơ sở giáo dục đại học gồm có trường đại học, học viện, đại học.
Quy định này chưa giải quyết được bản chất vấn đề về mô hình trường đại học bên trong đại học của các đại học hiện nay, cả về nội dung và tổ chức, đồng thời có thể làm phức tạp thêm hệ thống khi quy định tất cả cơ sở giáo dục đại học là đại học. Các cơ sở giáo dục đại học đa lĩnh vực được thành lập các trường trực thuộc bên trong mà chưa phân định rõ tư cách pháp nhân, địa vị pháp lý của các tổ chức này.
Việc ổn định của hệ thống giáo dục đại học hiện nay có thể bị ảnh hưởng lớn, ông Bình nhấn mạnh.
Đại học Quốc gia, nghe thì hoành tráng...
Được mời cho ý kiến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, quy định về mô hình đại học thể hiện trong bản dự thảo luật mới nhất chưa giải quyết được các vấn đề vướng mắc đã bộc lộ trong thực tế.
Hiện tại có rất nhiều ý kiến băn khoăn là tại sao chỉ các Đại học quốc gia, đại học vùng được gọi là "đại học" trong khi có rất nhiều các trường uy tín khác như Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế quốc dân… lại không được gọi đúng từ định danh đó, Phó thủ tướng nói.
Vấn đề nữa được Phó thủ tướng đề cập là khó khăn cho việc hội nhập vì khi dịch ra tiếng Anh chẳng hạn, chỉ có một từ thống nhất để chỉ trường đại học là University.
Sau đó, Phó thủ tướng "nói thẳng thắn" về những hạn chế trong mô hình tổ chức hai Đại học Quốc gia cũng như ba đại học vùng hiện nay. Các cơ sở này được hình thành từ những năm 1995, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, là một biện pháp sáp nhập cơ học các trường đại học lại với nhau và việc vận hành cho đến bây giờ, không phải là đều thuận lợi.
Vì thế, theo Phó thủ tướng, phương án của cơ quan thẩm tra sẽ khó tháo gỡ được những bất cập thực tế đã bộc lộ trong khi phương án đề xuất ban đầu của Chính phủ là dựa trên nguyện vọng của nhiều trường, sẽ giải quyết được một phần các vấn đề đó.
"Anh em các trường đang rất tâm tư với dự thảo luật mới. Không nên chỉ vì tên trường mà ấn người ta ở mức cố định, không được vươn lên", Phó thủ tướng thông tin thêm.
Đăng đàn ngay sau đó, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình nhấn mạnh yêu cầu về việc đào tạo nguồn nhân lực đang buộc các đại học phải năng động, cạnh tranh hơn, mức độ cạnh tranh thậm chí phải với cả quốc tế.
Ông Bình cũng nêu khuynh hướng giáo dục đại học là đa lĩnh vực, thậm chí đến trường Y giờ cũng không còn phải là chuyên ngành đào tạo độc lập nữa mà cần thiết phải đứng trong một tổ hợp. Vậy nên các trường đại học đều đang bắt đầu hình thành các tổ hợp như thế.
Phương án đưa ra của cơ quan thẩm tra thích hợp cho xu hướng, mục tiêu đó, ông Bình lập luận.
Dùng quyền tranh luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, không nên phức tạp về mô hình mà cần nhìn vào thực lực, vào nhu cầu của đất nước và của người học. Sai lầm trong việc tổ chức, phân loại là chỉ nhìn vào quy mô trường mà không nhìn vào năng lực đào tạo, vào nhu cầu của người học… Theo đại biểu, việc phân loại mô hình theo hướng tư duy này ảnh hưởng lớn đến sức phát triển của giáo dục đại học.
"Xưa nay cứ nói đến Đại học Quốc gia là nói tới sự hoành tráng, quy mô nhưng trong Đại học quốc gia không phải trường nào, khoa nào cũng nhận được sự đánh giá cao từ xã hội. Trong khi đó Đại học Quốc gia lại sinh ra một bộ máy quản lý trung gian cồng kềnh, phức tạp", ông Nhưỡng bình luận.
Các cơ sở giáo dục đại học cần được bình đẳng trong không gian đào tạo và sáng tạo từ học thuật đến sản phẩm, không phân biệt quy mô to hay nhỏ, loại hình công lập hay tư thục, tiếp tục phân biệt là giết chết sự sáng tạo, ông Nhưỡng thể hiện quan điểm.
Post a Comment