Tại sao các vụ án kinh tế, tham nhũng hồ sơ cứ phải trả đi trả lại thì có những cái chúng ta thừa biết hết rồi, giờ cứ hỏi nguyên nhân hoài, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí "than phiền" tại phiên họp chiều 4/9 của Uỷ ban Tư pháp Quốc hội.
Báo cáo công tác năm 2018 của Viện trưởng là một trong những nội dung được xem xét tại phiên họp này, trước khi trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay.
Trình bày ý kiến về báo cáo của ông Trí, nhóm nghiên cứu của Uỷ ban Tư Pháp chỉ ra một trong các hạn chế là tỷ lệ các vụ án kinh tế, chức vụ, tham nhũng toà án nhân dân trả hồ sơ cho viện kiểm sát yêu cầu điều tra bổ sung chiếm tới 21,5% (178/826 vụ), trong khi tỷ lệ trả hồ sơ nói chung với các loại tội phạm chỉ là 2,54%.
Nhóm nghiên cứu đề nghị Viện trưởng đánh giá kỹ các nguyên nhân chủ quan, khách quan dẫn tới tỷ lệ trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung loại tội kinh tế, chức vụ, tham nhũng lớn như vừa qua và giải pháp khắc phục hạn chế này.
Mặc dù than phiền đã biết mà cứ hỏi hoài song Viện trưởng Trí cũng nêu lại nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ trả hồ sơ loại tội phạm kinh tế, chức vụ tham nhũng cao.
Đó là đối tượng có trình độ, có quan hệ, có tiền, có khả năng đối phó, thậm chí còn có những quan hệ tác động khác. Đặc biệt là tham nhũng trong hoạt động tư pháp thì xin thưa, chính cơ quan bảo vệ pháp luật vi phạm pháp luật...ông Trí nói.
"Luật pháp vừa bảo đảm nghiêm minh về xử lý nhưng cũng phải bảo đảm quyền con người. Người ta đối phó giỏi thì đây là sự đấu tranh, hai đối thủ ngang ngửa nhau thì trận đấu kéo dài là chuyện bình thường. Lên võ đài hai võ sĩ ngang nhau thì đánh nhau đến cùng, thậm chí hết giờ thì thôi", Viện trưởng tiếp tục nói về nguyên nhân.
Với đặc điểm của đối tượng loại tội phạm kinh tế, chức vụ, tham nhũng như vậy, Viện trưởng nhấn mạnh "cứ nói kết thúc ngay được thì tôi xin thưa chỉ có không làm thôi, chứ làm thì phải trả đi trả lại. Vừa rồi chính nhờ trả đi trả lại mà có những vụ án chúng ta xét xử được. Nếu chỉ nhìn đối tượng ở cấp huyện, cấp tỉnh thì không thấy hết khó khăn ở trung ương được...
Nói kỹ hơn việc trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, ông Trí cho rằng vấn đề là động cơ, mục đích cũng như kết quả cuối cùng. Còn việc trả hồ sơ luật cũng cho, nhưng kiểm soát chỉ để một tỉ lệ nhất định, tránh bị lạm dụng.
Viện trưởng phân tích, thực tế trong nghiệp vụ, việc quyết định trả hồ sơ bổ sung là một động tác để làm rõ bản chất tội phạm, cần phải được xử lý mà giai đoạn trước làm chưa ra. Nếu cho qua luôn, đưa ra truy tố, xét xử là lọt.
Thực tế vừa qua một số vụ án đưa ra xét xử là phải làm động tác này, động tác trả hồ sơ điều tra bổ sung là kỹ năng nghiệp vụ để giải quyết tiếp, làm rõ cho bằng được bản chất hành vi của đối tượng... Viện trưởng phân tích.
Việc trả hồ sơ thì luật cho phép nhưng không thể trả nhiều lần và trả thoải mái, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nói từ bàn chủ toạ.
Phát biểu sau đó, bày tỏ quan tâm nhất là tội phạm kinh tế và tham nhũng, đại biểu Vũ Trọng Kim, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp nhấn mạnh tội phạm này tăng đến 68% là đáng quan ngại, khi mà chống tham nhũng được đánh giá là đã rất quyết tâm, quyết liệt.
Ông Kim cũng bình luận là báo cáo của Chính phủ nêu 7 nguyên nhân của tình hình tội phạm nhưng không có bóng dáng nguyên nhân từ công tác quản lý nhà nước và của những người đứng đầu.
Về xử lý, liên quan đến một số tội phạm ngay trong cơ quan đấu tranh chống tội phạm, ông Kim cho rằng một số người được ăn học đến nơi đến chốn, có chức có quyền mà làm những việc "kinh khủng" thì phải trừng phạt tới nơi tới chốn. Chứ nếu có vi phạm chỉ hạ từ tướng xuống tá thì đó là xúc phạm anh em trong ngành.
Cũng đề cập đến một số vụ án tai tiếng như Vũ "nhôm", Út "trọc", đại biểu Nguyễn Bá Sơn, Uỷ viên Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng qua đây lộ ra một điều là dường như kiểm soát nội bộ chưa được tốt.
Năm 2018 có nhiều việc khiến dân không yên lòng, nhưng đánh giá tình hình tại báo cáo còn xa thực tế, đề nghị xem lại, ông Sơn nói.
Post a Comment