Những năm gần đây, tình trạng lạm dụng trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp diễn ra trên phạm vi rộng. Mặc dù Bảo hiểm Xã hội Việt Nam đã đưa ra nhiều biện pháp trong công tác quản lý bảo hiểm thất nghiệp để phòng chống nhưng rất khó để ngăn chặn triệt để. Vì thế, cần phải có những chế tài mạnh để xử lý hành vi này.

Chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện từ năm 2009 đã tăng cường đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người người lao động nhất là khi họ bị mất việc làm. Thực tế, Bảo hiểm thất nghiệp đã giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp họ sớm quay lại thị trường lao động.

Không ít trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp

Tuy nhiên, một chính sách nhân văn được xã hội đồng tình đón nhận như vậy nhưng sau một thời gian thực hiện đã xuất hiện không ít trường hợp lợi dụng để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Chỉ tính trong thời gian 2 năm, 2015 và 2016 theo con số báo cáo từ bảo hiểm xã hội các địa phương đã phát hiện 15.156 người lạm dụng hưởng trợ cấp thất nghiệp với tổng số tiền 70,96 tỷ đồng. Tình trạng này tập trung tại một số địa phương như: Tp.HCM (4.940 người), Bình Dương (2.806 người), Đồng Nai (986 người), An Giang (730 người)… Khi cơ quan bảo hiểm xã hội phát hiện ra để thu lại thì rất khó khăn, tính đến hết năm 2016, vẫn còn 32,58 tỷ đồng chưa thu hồi được do không liên lạc được với người lao động, hoặc người lao động chưa có khả năng nộp lại.

Phương thức để trục lợi của người lao động là họ lợi dụng khi phát hiện ra kẻ hở của pháp luật trong việc thực hiện. Pháp luật quy định, nếu người lao động có việc làm mới sẽ chấm dứt ngay việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, số tháng hưởng trợ cấp thất nghiệp còn lại sẽ được bảo lưu. Đó là một việc làm rất nhân văn để tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động khi họ thật sự thất nghiệp nhưng cũng từ đó mà một số người lao động đã lợi dụng không khai báo thực là đã có việc làm mới để ngừng nhận trợ cấp thất nghiệp. Kẽ hở này rất khó để kiểm tra giám sát kịp thời nếu người lao động không có ý thức trong việc chấp hành pháp luật.

Cụ thể, như trường hợp anh Đỗ Văn T. đang làm việc cho một doanh nghiệp ở khu công nghiệp Đồng Văn Hà Nam, anh xin nghỉ việc và đến Phòng Giao dịch việc làm huyện Duy Tiên nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp. Ngay sau khi được hưởng trợ cấp thất nghiệp, anh T. có ngay việc làm mới nhưng thông báo cho cơ quan chức năng dừng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp. Khi anh T đóng bảo hiểm xã hội tại nơi làm việc mới thì cơ quan chức năng mới phát hiện để dừng việc chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Hầu hết các trường hợp gian lận đều tương tự…

Đây quả thật là vấn đề khó vì các Trung tâm dịch vụ việc làm đều cho biết: "Trung tâm không có công cụ nào để nhận biết người lao động đã có việc làm mới ở đâu hay không. Tất cả phụ thuộc hoàn toàn vào sự trung thực của người lao động…". Tính ra, trên cả nước số tiền thất thoát do trục lợi không hề nhỏ

Cần phải phạt bằng tiền

Thực tế phản ánh từ nhiều địa phương đều chỉ ra nguyên nhân trục lợi bảo hiểm xã hội là do các vấn đề: Thứ nhất, từ thủ tục đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động chỉ cần các loại giấy tờ gồm: Quyết định chấm dứt hợp đồng hoặc nghỉ việc; sổ bảo hiểm xã hội; chứng minh nhân dân là đủ điều kiện nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Thứ hai, từ quy định của pháp luật, 3 tháng sau khi có quyết định nghỉ việc, người lao động mới được đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp. Và mất thêm 20 ngày để cơ quan chức năng tiếp nhận giải quyết hồ sơ nữa, như vậy người lao động sẽ có gần 4 tháng để hưởng trợ cấp thất nghiệp. Chính trong thời gian này, rất nhiều người lao động đã tìm được việc làm mới và họ cũng không tự giác đến cơ quan bảo hiểm xã hội để khai báo. Thứ ba, là ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động.

Do đó để khắc phục được hai nguyên nhân đầu rất cần sự đổi mới về trang thiết bị, cách thức quản lý, giám sát quản lý của của ngành bảo hiểm xã hội. Trước hết cần có sự kết nối giữa bảo hiểm xã hội với các Trung tâm dịch vụ việc làm (nơi chi trả bảo hiểm thất nghiệp) để việc trao đổi thông tin được nhanh chóng chính xác, có vậy mới kiểm soát được quá trình tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. Bảo hiểm xã hội cần tăng cường công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành theo kế hoạch hoặc đột xuất tại bảo hiểm xã hội tỉnh, các đơn vị tuyển dụng lao động.

Còn khắc phục nguyên nhân thứ ba, là cần phối hợp với các tổ chức như Công đoàn, đoàn thanh niên… để tăng cường công tác giáo dục cho người lao động về bảo hiểm thất nghiệp, kêu gọi tính trung thực trong việc thực thi pháp luật của người lao động, người sử dụng lao động. Phối hợp với các phương tiện truyền thông làm rõ các phương thức trục lợi, xử lý vi phạm để người lao động biết, qua đó nhận thức được hành vi vi phạm trục lợi của mình.

Cuối cùng, để đấu tranh với các hành vi trục lợi này rất cần những chế tài xử lý đối với trường hợp người lao động không trung thực trong việc không thông báo tình trạng việc làm thực với trung tâm dịch vụ việc làm. Hiện điều 214 Bộ luật hình sự đã có nêu đến tội danh này nhưng cần có thêm hướng dẫn thi hành. Đồng thời, cần ban hành ngay Nghị định quy định xử phạt hình thức gian lận này bằng tiền, có vậy mới giáo dục được ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top