Hình thành dòng ngân sách riêng cho dự án PPP, cam kết chia sẻ 50% phần hụt thu, bảo đảm cân đối ngoại tệ 30%...

Sáng 29/8, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội bắt đầu phiên họp toàn thể thứ 11, thẩm tra dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, ngày 27/8 Uỷ ban mới có hồ sơ chính thức dự án luật, về mặt thời gian là thời gian gửi dự án luật không đúng với quy định về quy trình xây dựng luật.

Nhưng, nếu trả về thì sẽ chậm cơ hội hoàn thiện thể chế cho PPP, vì thế nhiều thành viên của Uỷ ban Kinh tế rất băn khoăn. Mới nhận hồ sơ thì chất lượng tham gia thẩm tra sẽ rất là hạn chế, ông Thanh nhấn mạnh.

Thừa nhận sự chậm trễ này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Trung cho biết lý do có cả khách quan và chủ quan.

Doanh nghiệp được phát hành trái phiếu

Trình bày báo cáo tóm tắt dự án luật, ông Trung nói về sự cần thiết ban hành Luật PPP. Đó là quy định chi tiết cho hoạt động PPP hiện nay mới chỉ dừng ở cấp nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, như Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng...

Việc ban hành một đạo luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của nhà đầu tư PPP, tránh tình trạng "vay mượn" quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài.

Về nội dung chính của dự thảo luật, ông Trung cho biết dự thảo luật quy định nguyên tắc ngưỡng tối thiểu thực hiện dự án PPP theo từng lĩnh vực do Chính phủ quy định chi tiết nhưng không thấp hơn 200 tỷ đồng (trừ dự án áp dụng loại hợp đồng kinh doanh - quản lý (O&M) là dự án cung cấp dịch vụ, không có cấu phần xây dựng).

Dự thảo luật quy định, đối với dự án BT, chỉ được lựa chọn nhà đầu tư sau khi có thiết kế, dự toán.

Về các loại hợp đồng, dự thảo luật quy định 7 loại hợp đồng cơ bản theo ba nhóm: thu phí từ người sử dụng - BOT, BTO, BOO, O&M; Nhà nước thanh toán theo chất lượng dịch vụ - BLT, BTL và ba là đổi nguồn lực lấy công trình - BT.

Về nguồn vốn để bố trí vốn đầu tư công trong dự án PPP cơ quan soạn thảo đề xuất phương án có dòng ngân sách dành cho phần vốn đầu tư công trong dự án PPP tại kế hoạch đầu tư công trung hạn.

Đáng chú ý, dự thảo luật đã bổ sung các nội dung về hình thức huy động vốn thứ cấp cho các dự án PPP.

Cụ thể, doanh nghiệp dự án được phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án để huy động vốn thực hiện dự án PPP sau khi hoàn thành xây dựng công trình đối với dự án có cấu phần xây dựng hoặc sau khi chuyển sang giai đoạn vận hành đối với dự án không có cấu phần xây dựng.

Bảo đảm cân đối ngoại tệ 30%

Liên quan đến các cơ chế bảo đảm của Chính phủ, dự thảo luật quy định Chính phủ quyết định việc cấp bảo đảm cân đối ngoại tệ cho từng dự án. Hạn mức bảo đảm cân đối ngoại tệ là 30% doanh thu của dự án bằng tiền đồng Việt Nam sau khi trừ số chi tiêu bằng đồng Việt Nam.

Dự thảo luật cũng thiết kế cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu, cụ thể áp dụng các biện pháp chia sẻ rủi ro về doanh thu trong khuôn khổ hợp đồng bao gồm điều chỉnh mức giá, phí hoặc thời hạn hợp đồng.

Đối với các dự án PPP do Quốc hội, Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư, dù đã thực hiện đầy đủ các biện pháp trên nhưng chưa đảm bảo được mức doanh thu cần thiết để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh của dự án, Chính phủ cam kết chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án không quá 50% phần hụt thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án cam kết chia sẻ với Chính phủ không thấp hơn 50% phần tăng thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng.

Sau khi Uỷ ban Kinh tế thẩm tra sơ bộ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét dự án Luật PPP trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm nay.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top