Tài liệu họp Giao ban báo chí ngày 27/8 của Tổng cục Thống kê có nhiều nội dung đáng chú ý về quy trình đánh giá lại quy mô tổng sản phẩm trong nước giai đoạn 2007 - 2017.

Tăng 25,4%/năm so với số đã công bố

Cụ thể, hiện nay, Tổng cục Thống kê đang tiến hành đánh giá lại quy mô GDP, đây là nhiệm vụ thường xuyên và định kỳ của bất kỳ một cơ quan thống kê quốc gia nào trên thế giới. Tổng cục Thống kê đánh giá lại quy mô GDP theo phương pháp sản xuất, vì vậy không phải là cách tính mới.

Việc rà soát, đánh giá lại quy mô GDP dựa trên phương pháp luận do cơ quan thống kê Liên hợp quốc khuyến nghị, xuất phát từ có nguồn thông tin phản ánh đầy đủ kết quả sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, hoàn toàn không có sự thay đổi về phương pháp tính. Tổng cục Thống kê khẳng định cách tính GDP của Việt Nam hiện nay theo đúng thông lệ quốc tế.

"Trong bối cảnh Việt Nam đang xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, việc đánh giá lại quy mô GDP vào thời điểm này sẽ giúp đưa ra những định hướng đúng cho phát triển đất nước trong 10 năm tới và cụ thể hóa cho giai đoạn 5 năm 2021-2025", báo cáo nêu.

Theo kết quả rà soát của Tổng cục Thống kê, quy mô GDP đánh giá lại bình quân giai đoạn 2010-2017 tăng thêm 25,4%/năm so với số liệu đã công bố.

Quy mô GDP thay đổi dẫn đến các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan tới chỉ tiêu GDP cũng thay đổi. Sự thay đổi của các chỉ tiêu có liên quan bao gồm: Tích lũy tài sản; Tiêu dùng cuối cùng; Tổng thu nhập quốc gia (GNI); Tổng sản phẩm trong nước bình quân đầu người; Tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng sản phẩm trong nước; Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (Hệ số ICOR); Tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ thuế trừ trợ cấp sản phẩm so với GDP; Tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; Tỷ lệ dư nợ công so với GDP; Năng suất nhân tố tổng hợp (TFP).

Kết quả đánh giá lại quy mô GDP được Tổng cục Thống kê cho là tạo ra mức tăng đáng kể trong tổng giá trị GDP và GDP bình quân đầu người, từ đó tác động đến định hướng phát triển kinh tế - xã hội trong các giai đoạn tiếp theo. Sự gia tăng GDP bình quân đầu người có thể dẫn đến sự thay đổi trong mô hình tiêu dùng hộ gia đình do ước tính mức sống cao hơn hoặc đạt nhanh hơn đến mức quốc gia có thu nhập trung bình cao.

Việc đánh giá lại quy mô GDP sẽ không tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP trong kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội do tốc độ tăng trưởng kinh tế qua các năm có sự thay đổi rất nhỏ.

Đánh giá lại quy mô GDP làm thay đổi cơ cấu GDP, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. 

Ngoài ra, các chỉ tiêu chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tuy nhiên mức thay đổi không lớn. Phản ánh số liệu thấp hơn đối với nhiều chỉ tiêu tài chính/tài khóa: tỷ lệ thu ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ thuế so với GDP; tỷ lệ chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP; tỷ lệ nợ công, nợ chính phủ và nợ nước ngoài so với GDP.

Sự thay đổi có thể cho thấy khả năng mở rộng dư địa cho thu ngân sách và thuế, cũng như chi tiêu và vay của Chính phủ. Tuy nhiên, khả năng tác động là thấp vì trong thực tế thu ngân sách và thuế dựa trên thu thuế/phí, các tỷ lệ thu liên quan và được quy định bởi các văn bản pháp luật.

Quy mô GDP và GDP bình quân đầu người tăng lên có thể làm tăng đóng góp của Việt Nam cho các tổ chức quốc tế mà hiện nay Việt Nam đang là thành viên.

"Nhiều quốc gia cũng đánh giá lại GDP"

Báo cáo cũng cho biết, hầu hết các quốc gia có năng lực thống kê tốt đều tiến hành rà soát, đánh giá lại quy mô GDP thường xuyên và định kỳ. Mức độ và chu kỳ đánh giá lại phụ thuộc vào biến động về nguồn thông tin, phạm vi và mục đích đánh giá lại. Từ năm 2010 đến nay, nhiều quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, Nga, Italia, Croatia, Inđônêxia, Zambia,… đã tiến hành đánh giá lại và công bố lại quy mô GDP và các chỉ tiêu vĩ mô có liên quan.

Cuối tháng 7 năm 2013, Mỹ công bố kết quả đánh giá lại GDP theo cách tiếp cận mới trên cơ sở cập nhật khung lý thuyết của hệ thống tài khoản quốc gia 2008 (SNA 2008). Theo đó, quy mô GDP của Mỹ năm 2012 tăng thêm 560 tỷ USD, tăng 3,6% so với số liệu đã công bố. Đây là kết quả của sự thay đổi phạm vi tính GDP nhằm phù hợp với phương pháp luận của SNA2008; trong đó có sự thay đổi về cách xử lý tài sản sở hữu trí tuệ.

Hoạt động nghiên cứu và phát triển được nhìn nhận là một ngành kinh tế độc lập và tính vào tích lũy tài sản cố định thay vì được coi là sản phẩm phụ và tính vào chi phí đầu vào của quá trình sản xuất như trước đây. Theo lý thuyết tài khoản quốc gia, đánh giá lại này thuộc vòng 3.

Trung Quốc đã nhiều lần tiến hành đánh giá lại quy mô GDP dựa vào thông tin từ các cuộc Tổng điều tra năm 2004, 2008 và 2013. Kết quả sau khi đánh giá lại năm 2013 cho thấy  quy mô GDP năm 2013 của Trung Quốc được bổ sung thêm khoảng 305 tỷ USD, tương đương tăng 3,4%. Kết quả điều chỉnh này đã bổ sung thêm 141 tỷ USD, tương ứng tăng khoảng 1,3% vào quy mô GDP năm 2015, đạt mức gần 11 nghìn tỷ USD.

Sự thay đổi trong cách hạch toán mới đã giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới linh hoạt hơn trong việc thực hiện các chương trình cải cách kinh tế trong tương lai và phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. 

Năm 2017, Trung Quốc tiến hành cuộc Tổng điều tra kinh tế lần thứ tư; trong đó thực hiện điều chỉnh cách tính dân số, lao động và tiếp tục cập nhật những thay đổi theo SNA 2008 về xử lý tài sản sở hữu trí tuệ,… Theo đó, quy mô GDP và các chỉ tiêu kinh tế tổng hợp có liên quan của Trung Quốc sẽ tiếp tục có sự điều chỉnh.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top