‘‘Tôi đặc biệt có lòng tin về những điều mà chẳng ai làm được’’ – Đây là câu nói nổi tiếng của Bram Stocker, tiểu thuyết gia nổi tiếng khắp thế giới với bộ truyện về Ma cà rồng. Dracula kể từ đó đã luôn được ngầm hiểu nói đến ma cà rồng, nhưng ít ai biết được, nguồn cảm hứng khiến tác giả viết nên một tác phẩm như vậy là đến từ một nhân vật lịch sử có thật. Đó chính là Lãnh Chúa Vlad Dracula ở Transylvania, nay vùng đất này được biết đến với tên gọi Sighisoara. Nơi đây không chỉ là quê hương của ma cà rồng, mà còn là một nơi nổi tiếng với di sản cổ kính.

 
Sighisoara là thành lũy thời trung cổ có cư dân sinh sống từ rất sớm ở đó, tính đến thời điểm được công nhận là Di sản đã được 850 tuổi. Vào năm 1999, trung tâm lịch sử này đã được công nhận là một Di sản Thế giới của UNESCO vì sự đặc sắc trong lịch sử và văn hóa của người Transylvania Saxon. Trung tâm lịch sử Sighisoara là trung tâm cổ của thị trấn Sighisoara thuộc Romania. Nơi đây được xây dựng vào thế kỷ XII bởi thực dân Saxon dưới tên Latinh Castrum Sex và sau đó được mở rộng trong thế kỷ XV.
 

 
Vào thế kỷ thứ XII, người Transylvania Saxon xây dựng một thành mới được đặt tên là Schabburg. Sighisoara hay Schabburg – Schassburg hoặc Schasbrich trong tiếng Đức đều là tên gọi chung để chỉ đến trung tâm lịch sử này, đây là một trong những thị trấn thời trung cổ đẹp nhất và bảo tồn tốt nhất ở châu Âu.

Trong thế kỷ XIV và XV, sự tăng trưởng kinh tế được ghi nhận bởi thợ thủ công cần cù và các lái buôn Sighisoara đảm bảo yếu tố tài chính cho việc xây dựng một hệ thống phòng thủ mạnh mẽ, để bảo vệ thị trấn khỏi cuộc tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ. Ban đầu Sighisoara có tất cả 14 tòa tháp và 5 pháo đài cung cấp hỏa lực hướng đến tất cả các điểm hồng y.

 

 
Dù được thiết kế một cách hoàn mỹ, nhưng qua sự thử thách của thời gian mà Sighisoara ngày hôm nay chỉ nguyên vẹn với chín tòa tháp, hai pháo đài, những con đường rải sỏi, những ngôi nhà đầy màu sắc của cư dân và nhà thờ được trang hoàng công phu trên các đường phố lịch sử. 
Nơi đây còn nổi tiếng là quê hương của Bá tước Vlad Dracula, còn được gọi là Vlad Tepes (Vlad Impaler), người cai trị vùng Walachia từ năm 1456-1462. Trong tiếng Latinh Dracu có nghĩa là rồng, tức con trai của rồng. Với lối sống bi quan, thích hành hình theo kiểu đóng cọc người mà ông đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhà văn Bram Stocker xây dựng nên nhân vật Ma cà rồng nổi tiếng trên thế giới. Chính vì thế mà người ta gọi Transylvania là quê hương của Ma cà rồng.

 
Nhà của Vlad Dracula là một trong những điểm tham quan hấp dẫn ở thành phố này. Những nơi khác bao gồm các Nhà thờ trên đồi với những bức bích họa có đến 500 tuổi đời, nhà của người Venice cổ từ thế kỷ XIII hay là Tu viện Đa Minh, với các bục theo phong cách Baroque, thảm phương Đông của thế kỷ XVII. Tường thành cổ

Sighisoara không phải là tường thành cổ lớn nhất hay hưng thịnh nhất trong số bảy thành vách của người Transylvania Saxon, nhưng nó đã trở thành một trong những cái phổ biến và đặc trưng nhất. Đi bộ qua những con đường đồi của thị trấn, du khách sẽ cảm nhận được kiến trúc thời Trung cổ sống động hơn bao giờ hết. Đó là sự kết hợp kỳ diệu giữa các con hẻm rải sỏi, cầu thang dốc, quảng trường hẻo lánh, tháp và  pháo đài,…Tất cả đều được gìn giữ, bảo tồn rất tốt. Trong nhiều thế kỷ, Sighisoara là một thành trì quân sự và chính trị.

 

 
Các tòa tháp được sử dụng để lưu trữ đạn dược và lương thực, thực phẩm và có ô cửa cho các khẩu pháo, đạn và mũi tên đưa ra. So với 14 tòa tháp lúc mới xây thì ngày nay chúng ta chỉ có thể tham quan 9 tháp còn nguyên vẹn.
 
Chín tòa tháp đó là Tháp Thợ rèn (Turnul Fierarilor), Tháp Thợ hàng thịt (Turnul Macelarilor), Tháp Thợ giày (Turnul Cizmarilor), Tháp Thợ buôn lông thú (Turnul Cojocarilor), Tháp Thợ làm dây (Turnul Franghierilor), Tháp Thợ may (Turnul Croitorilor), Tháp Thợ thuộc da (Turnul Tabacarilor) và Tháp Thợ làm đồ thiếc (Turnul Cositorilor). Trong đó tòa tháp thứ 9, nổi tiếng nhất chính là Tháp đồng hồ. Tháp đồng hồ

Một địa điểm hấp dẫn ở Sighisoara chính là tháp đồng hồ, đây là nơi kiểm soát các cửa thành chính của dãy tường phòng thủ và là kho lưu trữ kho báu của thành phố. Tháp được xây dựng vào nửa sau của thế kỷ XIV và mở rộng trong thế kỷ XVI. Bốn góc tháp nhỏ trên đỉnh tháp tượng trưng cho sự tự chủ tư pháp của Hội đồng thị trấn, có hai mặt đồng hồ, một hướng về phía thành phố và một hướng về phía thành. Cả hai mặt đều có hai phần trên và dưới, phía dưới luôn là hai tượng: Hòa bình (phía bên trái), nắm giữ trong tay một nhánh ô liu và một cây kèn; Và tượng Tay trống nhỏ (bên phải), với một cái búa trên tay phải của mình và một chiếc trống đồng nhỏ. 

 
 
Mặt đồng hồ hướng về phía trung tâm thành phố có một hốc chứa 7 bức tượng, nhưng mỗi ngày chúng ta chỉ thấy 1 bức tượng duy nhất ứng với 1 ngày trong tuần. 7 Bức tượng đó là: Nữ thần Mặt trăng (thứ hai), Thần Mars (thứ ba), Thần Mercury (thứ tư), Thần Jupiter (thứ năm), Thần Vệ Nữ (thứ sáu), Thần Nông (thứ bảy), Thần Mặt trời (chủ nhật). 
 

 
Còn bên trên của mặt hướng về phía thành, ngay chính giữa là hai tượng lớn hơn Công bằng và Tư pháp, tượng bên trái là Tư pháp, tức người bị bịt mắt cầm một thanh kiếm, trong khi nữ thần Công bằng giữ một cán cân. Hai thiên thần trong hốc nhỏ hai bên là đại diện cho ngày và đêm, đánh dấu sự sáng tạo trong việc ghi dấu mốc thời gian. Lễ hội nghệ thuật tái dựng thời Trung cổ

Nhằm mục đích tạo dựng lại một bầu không khí thời Trung cổ sống động, mà Sighisoara đã tổ chức lễ hội với đầy đủ các nghi thức, hấp dẫn mọi du khách đến đây. Trong lễ hội bao gồm nhạc hát rong và trang phục diễu hành, những nghệ sỹ đường phố và các thủ công mỹ nghệ, các buổi hòa nhạc ngoài trời và thậm chí là một số lễ nghi thời trung cổ. Sự kiện này là cơ hội để các du khách hóa thân vào trong các truyền thuyết và huyền thoại của thời Trung cổ như người Transylvania Saxon.

 

 
Để nói về Sighsoara bấy nhiêu đây vẫn là chưa đủ, vì mỗi địa điểm ở đây đều mang trong mình những câu chuyện lịch sử đáng tìm hiểu. Đây là điểm đến rất đáng ghé thăm để hiểu sâu về văn hóa cổ của người Transylvania Saxon thời Trung cổ. Nếu có cơ hội đến thăm đất nước Romania thì hãy ghé thăm thành phố cổ này.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top