Liên quan đến câu chuyện giữa tuổi nghỉ hưu và tuổi nghề, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cần phân biệt rõ ràng hai vấn đề này với nhau, không có chuyện người ở lại làm việc lâu hơn là "giữ chỗ người khác".
Theo ông Lợi, tuổi nghề hiện nay là để khẳng định người lao động có thể làm nghề đến một độ tuổi nhất định, còn tuổi nghỉ hưu là cho Chính phủ quy định khi nữ đủ 55 tuổi và nam đủ 60 tuổi theo quy định hiện hành, với điều kiện cần có ít nhất 20 năm đóng bảo hiểm xã hội.
Trên thực tế, hiện vẫn có những nghề mà người lao động chỉ làm đến 35 - 40 tuổi là kết thúc nghề nhưng không thể nghỉ hưu ở tuổi này như nghệ sỹ, diễn viên xiếc, thể thao…rất khó để nghỉ hưu đúng tuổi.
Do đó, ông Lợi cho rằng, hai vấn đề phải phân biệt rất rõ ràng là tuổi nghề không trùng với tuổi hưu. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp hai tuổi này trùng nhau, chẳng hạn nghề khai thác than hầm lò thì tuổi nghề của người lao động chỉ đến 50 tuổi, nhưng được cho phép nghỉ hưu vì suy giảm khả năng lao động.
Từ thực tế trên, theo ông Lợi trong chính sách sẽ phải xử lý hai bài toán ngược, nếu tuổi nghỉ hưu cao hơn tuổi nghề thì một là phải chuyển người lao động sang làm công việc khác cho đủ tuổi nghỉ hưu, để khi về hưu đảm bảo cho họ có mức lương hưu cao hơn.
Hai là nếu người lao động không còn đủ khả năng làm việc và được quyền nghỉ hưu sớm thì tiền lương sẽ không bị khấu trừ. "Phải hiểu rõ vấn đề như vậy, đây là hai bài toán ngược mà", ông Lợi phân tích.
Đối với những trường hợp làm việc cao hơn tuổi nghề chỉ rơi vào các nhóm chuyên gia, người không giữ chức vụ lãnh đạo, và số này chủ yếu tập trung vào các ngành khoa học, y tế, giáo dục.
"Họ đều có chuyên môn cao, giả sử chúng ta cho về hưu sớm thì họ cũng rất đồng tình, bởi vì chỉ cần ra ngoài sẽ có nhiều đơn vị thuê ngay với mức lương cao. Tôi biết có những bác sỹ trong nhà nước lương cao nhất chỉ đạt 30 triệu đồng/tháng, nhưng nếu nghỉ hưu ở tuổi 60 và ra đi làm bên ngoài thì lương có thể lên hàng trăm triệu, vậy tại sao nhà nước không sử dụng người có kỹ năng trình độ như vậy", ông Lợi đặt vấn đề.
Theo vị Phó chủ nhiệm, việc sử dụng lực lượng lao động này không chỉ phát huy được chất lượng nguồn nhân lực cao mà vấn đề quan trọng là những người có chuyên môn sẽ truyền đạt lại kinh nghiệm, đào tạo, rèn luyện kiến thức cho lớp trẻ, điều này mới là vấn đề cần thiết cho sự phát triển của xã hội.
"Chúng ta đừng nghĩ họ ở lại là chiếm chỗ của người khác, bác sỹ hay giáo sư phải mất hàng chục năm mới có được những kinh nghiệm sâu như vậy mà không phải ai ra trường cũng có được. Bài toán giữa tuổi đời, tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu là phải giải quyết hết sức sòng phằng", ông Lợi nhấn mạnh.
Theo ông, với những nghề mà người lao động chưa đủ tuổi nghỉ hưu và còn khỏe mạnh thì được chuyển sang làm việc khác để tiếp tục cống hiến đến khi đủ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, khi tuổi nghề chưa đạt đến tuổi nghỉ hưu nhưng người lao động không còn đảm bảo sức khỏe thì đương nhiên phải cho về hưu, đó là tính nhân văn của chính sách.
"Làm gì có chuyện bắt người ốm đau, suy giảm khả năng lao động phải làm việc hết cuộc đời mới được nghỉ hưu, hai vấn đề này chúng ta phải tính rất rõ ràng. Tôi nghĩ chúng ta hiện nay vẫn đang luẩn quẩn câu chuyện rằng cứ ở lại là giữ chỗ của người khác. Không hề có chuyện đó, chuyên gia ở lại không giữ chỗ ai cả trừ trường hợp ở lại để làm lãnh đạo. Nhưng, quy định có rồi, tối đa cũng chỉ đến 62 tuổi thôi, tới đây khi tuổi hưu của nữ tăng lên 60 thì cũng chỉ giữ ở mức đó. Câu chuyện là như vậy, bài toán này phải xử lý một cách thỏa đáng", ông Lợi nhấn mạnh.
Trước đó, tại báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) hồi đầu tháng 8, ban soạn thảo cho biết, đa số ý kiến đồng ý điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án 1, tức là kể từ ngày 1/1/2021, mỗi năm tăng 3 tháng với nam, 4 tháng với nữ để tuổi nghỉ hưu của nữ là 60 tuổi vào năm 2035, tuổi nghỉ hưu của của nam là 62 vào năm 2028.
Hiện, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang tiến hành tổng rà soát các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để ban hành một danh mục thống nhất các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm thuộc trường hợp đặc biệt mà người lao động có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn. Dự kiến, tháng 9/2019 sẽ hoàn thành.
Post a Comment