Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh như vậy tại lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Sự kiện do các đối tác ba bên gồm Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cùng phối hợp tổ chức, ngày 27/8 tại Hà Nội.
Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, Việt Nam tuy là thành viên có thể nói còn "trẻ", với tuổi đời mới gần 30 năm so với 100 năm của ILO, nhưng luôn là một thành viên có trách nhiệm của tổ chức này.
Đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 24 công ước của ILO, trong đó có 6 công ước cơ bản. Đặc biệt, Quốc hội Việt Nam vừa qua đã biểu quyết thông qua Công ước 98 của ILO Về quyền tổ chức và thương lượng tập thể với tỷ lệ 100% các đại biểu Quốc hội có mặt ủng hộ.
Đây là một công ước quan trọng của ILO về quyền thương lượng của người lao động với người sử dụng lao động về tiền lương cũng như các quyền và lợi ích khác của người lao động và người sử dụng lao động.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự gia tăng chuyển dịch lao động đang làm thay đổi mạnh mẽ thị trường lao động. Nhiều nghề sẽ mất đi, nhiều công việc giảm tính ổn định cùng với đó những nghề mới sẽ xuất hiện đòi hỏi những kỹ năng làm việc mới trong một không gian việc làm rộng mở hơn.
"Nếu không có tầm nhìn, không có các bước chuẩn bị chủ động cần thiết thì thời cơ của cuộc cách mạng 4.0 sẽ bị bỏ lỡ và trở thành thách thức lớn hơn, trực tiếp nhất là dư thừa lao động thiếu kỹ năng mới", Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Nhận thức được điều đó, Phó thủ tướng cho rằng, Việt Nam xác định cần tập trung đổi mới giáo dục, đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường kỹ năng, khả năng tự học, khả năng thích ứng cho người lao động để sẵn sàng với những thay đổi, đòi hỏi mới của thị trường lao động.
Phó thủ tướng khẳng định rằng, phát triển nguồn nhân lực và đảm bảo việc làm thỏa đáng, bền vững luôn được Chính phủ Việt Nam coi là tiền đề quan trọng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, Việt Nam sẽ tận dụng lợi thế của thời kỳ dân số vàng phục vụ phát triển bền vững với con người là trung tâm và không ai bị đứng ngoài, bị bỏ lại phía sau.
Phó tổng giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield cũng nhấn mạnh vai trò của các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động đối với Việt Nam. Theo bà Deborah Greenfield, việc tuân thủ Tuyên bố 1998 không chỉ về mặt luật pháp mà còn trong thực tiễn đã trở thành nền tảng của các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
"Lợi ích của toàn cầu hóa và tiến lên những nấc thang cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu chỉ có thể đạt được khi việc làm thỏa đáng trở thành mục tiêu của Việt Nam", Phó tổng giám đốc ILO nói.
Thời gian tới, các đối tác ba bên của Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác với ILO phấn đấu cho mục tiêu việc làm bền vững và thỏa đáng cho tất cả mọi người, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn về tương lai việc làm được nêu trong bản Tuyên bố Thế kỷ của ILO mới được thông qua tại Hội nghị Lao động quốc tế hồi tháng 6/2019.
Post a Comment