Nhiều ý kiến băn khoăn vì sao đóng góp tới gần 30% GDP mà hơn 5 triệu hộ kinh doanh chỉ đóng góp 1,6% ngân sách, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói "hộ kinh doanh đang nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương" .

Sáng 30/8, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).

Lần sửa đổi này, một nhóm vấn đề mới hoàn toàn được bổ sung là quy định về hộ kinh doanh.

Điều hành phần thảo luận, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo nói, hiện cả nước có hơn 5,1 triệu hô kinh doanh, giải quyết việc làm cho khoảng 8 triệu lao động, đóng góp gần 30% GDP. Nhưng, ông Bảo nhấn mạnh, khu vực này đóng góp cho ngân sách còn hạn chế, chỉ khoảng 1,6%.

Có ý kiến cho rằng cần cân nhắc có nên đưa quy định về hộ kinh doanh vào dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) hay không vì đây không phải loại hình doanh nghiệp, thực hiện thuế khoán, không có chuẩn mực kế toán, nếu quy định cứng thì không khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp, ông Bảo nói.

Phát biểu đầu tiên, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng việc đưa hộ kinh doanh vào là bước đột phá của dự thảo "Luật Doanh nghiệp thế hệ mới" này.

Đồng tình với trình bày của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về lý do bổ sung một chương về hộ kinh doanh, ông Lộc nói khu vực hộ kinh doanh là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng vặt. Thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp thì các hộ kinh doanh có thể phải đóng góp nhiều hơn nhưng sẽ đỡ chi phí không chính thức, ông Lộc nhìn nhận.

Nhiều ý kiến thành viên Uỷ ban Kinh tế và cả chuyên gia sau đó cũng đề cập đến quy định về hộ kinh doanh nhưng không được lạc quan như ý kiến ông Lộc.

Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ông Phùng Văn Hùng cho rằng có một câu hỏi lớn đặt ra khi 5 triệu hộ kinh doanh đóng góp gần 30% GDP nhưng chỉ đóng góp 1,6% ngân sách.

Ông Hùng khẳng định bản chất của hộ kinh doanh chính là doanh nghiệp. Nhưng về thuế thì hoàn toàn không bình đẳng với doanh nghiệp, doanh thu của hộ kinh doanh lên đến vài trăm triệu đồng cũng chỉ phải đóng thuế vài trăm ngàn một năm, trong khi doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải đóng thuế thu nhập doanh nghiệp từ 15% đến 20%.

Theo ông Hùng, quy định về thuế đang tạo cơ chế bất bình đẳng giữa hộ kinh doanh và và doanh nghiệp nên hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp.

"Hộ kinh doanh đang nuôi cả bộ máy chính quyền địa phương, nuôi rất lớn các đồng chí ạ", nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông phát biểu.

Chủ hộ kinh doanh karaoke gần nhà tôi đi xe Rolls - Royce và cứ một tuần thì xách cả valy tiền, ông Đông lấy một ví dụ sau khi đề nghị cần có sự bình đẳng về chính sách và công khai về thông tin của các hộ kinh doanh.

Đồng tình quan điểm hoạt động của hộ kinh doanh hiện nay cũng không khác gì doanh nghiệp, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế, ông Đỗ Văn Sinh cho rằng cần phải điều chỉnh trong luật hoạt động của khu vực này.

Khẳng định hiện nay các hộ kinh doanh phải chi phí rất nhiều thứ mà "ai cũng biết", ông Sinh giả định 5 triệu hộ mà mỗi hộ chi không chính thức triệu 1 tháng thì tổng chi phí một năm cũng lên đến gần 60 nghìn tỷ đồng. Và nếu thu được số tiền này dùng để hỗ trợ về mặt pháp luật, để nâng cao năng lực quản trị của hộ kinh doanh lên để họ chấp hành pháp luật tốt hơn thì đó là nền tảng để phát triển một cách minh bạch. "Nhưng, nếu luật hoá phải thêm chi phí mà chi phí bên ngoài vẫn có thì nếu là tôi tôi cũng không muốn lên doanh nghiệp", ông Sinh nói.

Băn khoăn không rõ đưa quy định về hộ kinh doanh vào luật này để làm gì, Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ đặt vấn đề, nếu đưa vào để được hưởng lợi chính sách thì chính sách cho cả 5 triệu hộ liệu có dàn trải?. Theo đại biểu Thơ thì cần có tiêu chí để hộ kinh doanh phải chuyển đổi thành doanh nghiệp để quản lý và có chính sách hỗ trợ.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng cần phải làm rõ việc đưa hộ kinh doanh vào luật này để làm gì, họ sẽ được hưởng lợi gì. Việc đặt cả doanh nghiệp và hộ kinh doanh vào cùng môt luật thì có mâu thuẫn không, vì đây là hai đối tượng khác nhau hoàn toàn.

Cho rằng khó có thể có phương án tối ưu luật hoá quy định về hộ kinh doanh trong bối cảnh hiện nay, song Trưởng ban Pháp chế VCCI, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh, hộ kinh doanh hiện nay đang đối mặt với nhiều trục trặc, không thể đứng tên để vay vốn, và nếu có tranh chấp gì thì cũng rất khó giải quyết.

Nhu cầu phải luật hoá hộ kinh doanh rất lớn, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức phải được quy định trong luật, và quy định như dự thảo luật như cũng đã là tháo gỡ được một số khó khăn và cũng là bước tiến lớn, ông Tuấn nhận xét.

Dự thảo luật 213 điều mà quy định về hộ kinh doanh chỉ có 3 điều chung chung như nghị quyết thì có đảm bảo yêu cầu mục tiêu xây dựng luật không?, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói khi kết luận phiên họp.

Dự kiến sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào phiên họp gần đây. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top