Chứng khoán trong giai đoạn hiện nay có còn là kênh đầu tư hấp dẫn? Câu trả lời cho vấn đề này được nhiều chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo "Chiến lược đầu tư khi kinh tế phục hồi" diễn ra ngày 27/3 do Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors - VWA) tổ chức. Đây là sự kiện đồng hành cùng Lễ ra mắt chính thức Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam.
KINH TẾ PHỤC HỒI NÊN ĐẦU TƯ CỔ PHIẾU HAY TRÁI PHIẾU?
Chia sẻ quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch Hội đồng quản trị FiinGroup cho rằng: "Thị trường cổ phiếu hiện tại đang biến động lớn và trong giai đoạn nhạy cảm. Dù vậy kênh đầu tư này vẫn phù hợp với "investing" thay vì "day-traders" và lại có vị thế vay margin".
Chủ tịch FiinGroup khẳng định, kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp đại chúng đều đã phục hồi theo hình chữ V, ngân hàng vẫn duy trì tăng trưởng cao. Với triển vọng rất sáng của doanh nghiệp niêm yết đặc biệt là doanh nghiệp VN30 thì tỷ suất sinh lời vẫn sẽ còn gia tăng. Trong bối cảnh bị khối ngoại bán mạnh thì cổ phiếu vẫn có thể là kênh đầu tư hấp dẫn nếu theo trường phái đầu tư giá trị/dài hạn.
Trong khi đó ở kênh đầu tư trái phiếu, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2020 đã đạt quy mô 950,3 nghìn tỷ (trong tổng số hơn 1,2 triệu tỷ đồng đã phát hành 5 năm qua), tương đương 15,1% GDP và 10,3% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, có đến 75% danh mục là do ngân hàng nắm giữ trong khi phát hành đại chúng còn rất nhỏ, vậy nên quy mô thị trường trái phiếu có vẻ lớn nhưng lại chưa thực sự lớn.
Trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang ở giai đoạn "vàng thau lẫn lộn". Nhiều doanh nghiệp tốt nhưng chào lãi suất thấp ngang với những doanh nghiệp yếu kém hơn, trong khi thị trường lại đang chi tiền vào những doanh nghiệp có rủi ro cao.
"Trái phiếu có lợi tức cố định nhưng song song với đó cũng có khá nhiều yếu tố bất định, nhất là kỳ hạn trái phiếu với năng lực trả nợ của doanh nghiệp phát hành. Nhiều doanh nghiệp có kỳ hạn trái phiếu huy động với khả năng trả gốc và lãi "vênh" nhau rất lớn, rủi ro nằm ở việc doanh nghiệp có phát triển đủ để trả lãi cho nhà đầu tư hay không", ông Thuân lưu ý.
Thực tế, nhà đầu tư cá nhân vẫn còn nhiều cơ hội với trái phiếu nhất là khi phải lựa chọn giữa bất động sản, cổ phiếu, trái phiếu và kênh gửi tiết kiệm, nhất là với đội ngũ môi giới/tư vấn tài chính. Tuy nhiên, rủi ro là hiện hữu và cơ hội để tìm kiếm các trái phiếu có rủi ro vỡ nợ thấp với mức lãi suất cao hợp lý để phục vụ thị trường.
KHÔNG NÊN DÀNH QUÁ NHIỀU THỜI GIAN DỰ ĐOÁN VN-INDEX
Ở kênh cổ phiếu, nhiều nhà đầu tư tỏ ra do dự khi VN-Index mãi vẫn chưa thể chinh phục được mốc 1.200 và chỉ số này không bứt phá được nhiều sau 14 năm. Ông Lê Chí Phúc - Tổng giám đốc SGI Capital cho rằng chỉ số Vn-Index trong 14 năm qua dù không thay đổi nhiều nhưng P/E đã thay đổi rất lớn, từ 40 lần năm 2007 đã xuống còn 17-18 lần hiện tại. Điều này cho thấy lợi nhuận doanh nghiệp đã tăng trưởng khoảng 2,5 lần so với 14 năm trước, năm nay cũng là năm lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tăng trưởng mạnh.
Theo thống kê của quỹ SGI, Việt Nam đang ở giai đoạn cuối của nước đang phát triển, theo đà phát triển này, lãi suất sẽ tiếp tục đi xuống theo đường dài, và có khi xuống chỉ còn 1-2%, lãi suất tiền gửi của một số nước Bắc Âu thậm chí còn bằng 0. Việt Nam những năm tới sẽ vẫn tiếp tục có đầy đủ các yếu tố hỗ trợ tăng trưởng, nhờ đó mức lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ còn tiếp tục giữ được đà tăng như 14-15 năm qua.
Index nói chung và thị trường nói chung sẽ lên mức cực kỳ đắt khi nền kinh tế tăng trưởng cực kỳ nhanh và dòng tiền ngoại đổ vào chứng khoán ồ ạt. Bây giờ kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng đều đều, chưa có thông tin gì quá đột biến để thu hút lượng tiền lớn từ nước ngoài vào, nhưng trong tương lai khoảng 3-5 năm nữa Việt Nam sẽ gia nhập các thị trường EM, lớn hơn rất nhiều hiện tại, mở rộng cơ hội thu hút các quỹ rất lớn vào đầu tư.
Cũng nói về chỉ số Vn-Ịndex, ông Phúc cho rằng Index được mọi người nói đến quá nhiều và dành quá nhiều tâm sức để dự báo diễn biến tăng giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên điều này là không hiệu quả. Trung bình 10 năm qua Index tăng 9%/năm, cộng thêm 2% cổ tức tiền mặt thì có thể đạt 11%/năm. Một thống kê cho thấy 80% nhà đầu tư kể cả quỹ/tổ chức không thắng được Index, nếu đi theo con đường này, lợi suất cùng lắm chỉ là 10%/năm.
"Một thống kê của chúng tôi ở các công ty chứng khoán có nhiều nhà đầu tư cá nhân trong 3 năm Vn-Index đều tăng (2014-2016), gần 1 nửa nhà đầu tư cá nhân ở các công ty chứng khoán đấy có NAV cuối năm thấp hơn đầu năm cho thấy nhà đầu tư vẫn lỗ trong năm chỉ số chứng khoán đi lên. Đi vào cụ thể thì vòng quay mua bán của các nhà đầu tư rất nhiều. Chi phí giao dịch, phí margin, trung bình phí ở những tài khoản giao dịch nhiều lên đến trên 20%/năm, một số tài khoản có thể lên tới 40%/năm, còn đại đa số các nhà đầu tư cá nhân trade ít cũng không dưới 10%/năm, đây là lý do mà tài khoản âm. Do vậy, để có được mức lợi nhuận tốt trên thị trường chứng khoán, nhà đầu tư cần lựa chọn những cổ phiếu tốt để đi cùng doanh nghiệp và bớt để ý đến Index hơn".
Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (Vietnam Wealth Advisors - VWA) là tổ chức nghề nghiệp phi lợi nhuận được thành lập dưới hình thức doanh nghiệp xã hội. VWA ra đời với vai trò phát triển và thúc đẩy cộng đồng có thể đem lại những cố vấn tài chính độc lập cho công chúng Việt Nam. VWA hướng tới thúc đẩy sự phát triển của dân trí tài chính cho công chúng.
Ban đầu, VWA hoạt động dưới hình thức một nhóm trên mạng xã hội bao gồm khoảng 50.000 thành viên cho đến thời điểm thành lập khi một nhóm các cố vấn tài chính có uy tín, các giám đốc quản lý quỹ, giám đốc công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm quyết định thiết lập một tổ chức chính thức hoạt động phi lợi nhuận được pháp luật cho phép.
Post a Comment