Mọi thứ trên đời đều có chủ, “đất có thổ công, sông có hà bá”. Mỗi khu đất, kể cả cái vỉa hè, có “thổ công”; Mỗi vùng nước, dù chỉ là một con rạch, có “hà bá”. Vấn đề là: Ai là “thổ công”, ai là “hà bá”?
Vai trò “thổ công” bị đánh tráo
Ai cũng biết, trừ khi được cấp phép bằng văn bản hành chính, việc lấn chiếm vỉa hè là vi phạm pháp luật, cụ thể là Luật GTĐB năm 2008 và các văn bản thực hiện luật này (gần đây có Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016). Những người vi phạm càng biết rõ điều đó, vì phần lớn trong số họ phải chi tiền để hành vi vi phạm của họ không bị xử lý.
Nhưng khi tình trạng lấn chiếm vỉa hè đã trở nên quá phổ biến ở tất cả các địa phương, để giải quyết được vấn đề một cách tận gốc và có tính bền vững, không thể chỉ bằng một chiến dịch ra quân rầm rộ theo kiểu “trước đây buông lỏng quản lý thì từ nay không buông lỏng nữa, người nào buông lỏng sẽ bị xử lý trách nhiệm”.
Những nguyên nhân, động cơ lợi ích và các thế lực đứng sau tình trạng lấn chiếm vỉa hè có sức mạnh, có thể lớn hơn các nỗ lực lập lại kỷ cương, trật tự đô thị và các thông điệp răn đe cán bộ. Một mét vuông đất mặt đường ở trung tâm thành phố trị giá từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí có nơi cả tỷ đồng, nên chuyện lấn chiếm vỉa hè càng dễ hiểu.
Lâu dài hơn, cần phát triển mạnh giao thông công cộng và có lộ trình hợp lý hạn chế, tiến tới loại bỏ hoàn toàn xe máy tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Giao thông công cộng là phương tiện phù hợp để tạo nhu cầu, thói quen đi bộ, trong khi xe máy có tác dụng ngược lại và gây ra rất nhiều hệ lụy. Nếu xác định xe buýt là phương tiện giao thông công cộng chủ lực, kết hợp với tàu điện ngầm (MRT) và tàu điện thường (tram), việc loại bỏ hoàn toàn xe máy ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sau 10-15 năm là khả thi.
Lấn chiếm vỉa hè ở các đô thị không xuất phát từ một nguyên nhân duy nhất, mà là hệ quả tổng hợp của rất nhiều nguyên nhân, cho nên không dễ giải quyết. Sâu xa, đó là tình trạng chiếm của công làm của riêng. Mọi thứ trên đời đều có chủ, “đất có thổ công, sông có hà bá”. Mỗi khu đất, kể cả cái vỉa hè, có “thổ công”; Mỗi vùng nước, dù chỉ là một con rạch, có “hà bá”. Vấn đề là: Ai là “thổ công”, ai là “hà bá”?
Đối với vỉa hè, lẽ ra câu trả lời phải là “toàn dân”, vì đó là đất công thuộc sở hữu toàn dân. Nhưng nó bị lấn chiếm rất nhiều và ở những chỗ đó, vai trò “thổ công” bị đánh tráo. Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã không ngần ngại nêu đích danh một số thế lực (cả “đỏ” và “đen”) bảo kê cho việc lấn chiếm vỉa hè. Họ mới là “thổ công trên thực tế” của vỉa hè. Vai trò này cần phải được trả lại cho người dân, thông qua chính quyền.
Cách viết luật, nội dung luật và các văn bản dưới luật là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng đánh tráo vai trò “thổ công”. Ở các đô thị văn minh tại châu Á, châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, New Zealand… chúng ta vẫn thấy nhiều quán cà phê, nhà hàng với một phần trong nhà, một phần trên vỉa hè; Những quầy cố định và xe lưu động bán hàng ăn uống, đồ lưu niệm trên các hè đường, quảng trường; những quầy bán báo, hoa, rau, quả trên hè đường (nhất là xung quanh các ga tàu điện ngầm).
Hè đường, quảng trường có cả những công năng như vậy khi có thể bố trí được diện tích, không phải chỉ để đi bộ. Khi các công năng thương mại, dịch vụ của vỉa hè bị loại bỏ ngay trong văn bản luật và việc cấm được viết với tính chất tuyệt đối như Điều 35 Luật GTĐB, không ai có thể quy hoạch vỉa hè, ban hành thủ tục hành chính và thực hiện cấp phép cho các hoạt động thương mại, dịch vụ trên vỉa hè một cách chính quy, kể cả khi có nhu cầu hợp lý và mặt bằng bố trí được, không cản trở người đi bộ, mà thậm chí phục vụ người đi bộ tốt hơn.
Trong quản lý xã hội, ở đâu có nhu cầu, điều kiện mà lại thiếu quy định, thủ tục hành chính để giải quyết, sẽ xuất hiện các thế lực bảo kê và các hành vi bảo kê. Để hạn chế bảo kê, nhu cầu nào hợp lý và có thể đáp ứng được, luật cần cho phép, với các quy định thủ tục hành chính và giá, phí minh bạch.
Giá, phí cho thuê nên linh hoạt theo mục đích sử dụng vỉa hè, nếu cho thuê để người ta kinh doanh, giá cho thuê cao, còn cho thuê không để kinh doanh (ví dụ để đỗ xe máy cho người trong gia đình) thì giá thuê thấp, có thể chỉ là tượng trưng (nhưng không thể là 0 đồng).
Rất nhiều hộ kinh doanh mặt phố nghiễm nhiên coi vỉa hè là của nhà mình và mặc sức lấn chiếm (Trong ảnh: Vỉa hè phố Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội thời điểm trước khi Hà Nội ra quân dẹp lấn chiếm vỉa hè) – Ảnh: K.Linh
Kinh tế vỉa hè tràn lan và giao thông xe máy áp đảo
Lấn chiếm hè đường ở nước ta đã xảy ra từ lâu, nhưng từ thập kỷ 90 đến nay, trở nên trầm trọng do tăng thất nghiệp trong dân cư đô thị (trong đó có việc tinh giản biên chế các cơ quan Nhà nước) và tăng dân số đô thị nói chung; Do các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước có nhiều đất thừa nên cho thuê đất xây ki-ốt, nhà hàng tràn lan; Do sự lạc hậu của cấu trúc giao thông, trong đó xe máy chiếm trên dưới 80% giao thông đô thị và người đi xe máy có thói quen đi đến tận nơi và gửi xe ngay ở nơi cần đến, không muốn đi bộ dù chỉ mấy trăm mét; Do văn hóa, nếp sinh hoạt kiểu “từ quê nghèo lên phố lớn” của một số đông cư dân, muốn mọi thứ hàng hóa, dịch vụ có sẵn gần nơi cư trú, giá rẻ, với các yêu cầu tối thiểu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể nói, nền kinh tế vỉa hè tràn lan và nền giao thông xe máy áp đảo là hai nguyên nhân lớn nhất trong vấn nạn lấn chiếm vỉa hè và chúng cần được loại bỏ với một lộ trình hợp lý, các biện pháp hiệu quả, hướng tới một môi trường đô thị văn minh, hiện đại, an toàn hơn nhiều cho người dân.
Mọi hành vi lấn chiếm vỉa hè (về bản chất là lấy của công làm của riêng), dù để bày đặt và kinh doanh bán hàng hay để khách hàng, nhân viên đỗ xe máy, xây bậc tam cấp vào nhà cần được xử lý, mọi diện tích vỉa hè bị lấn chiếm cần được kiên quyết thu hồi.
Nhưng đồng thời, trong một thời gian rất nhanh, chính quyền cần phải quy hoạch công năng cho mỗi đoạn vỉa hè và nơi nào “có nhu cầu hợp lý và có thể đáp ứng được” thì cho thuê vỉa hè để thu tiền về ngân sách thành phố với các thủ tục hành chính và giá, phí minh bạch.
Các diện tích vỉa hè cho thuê cần được kẻ vạch rõ ràng để tránh lạm dụng. Ngoài ra, vỉa hè cần được thiết kế phù hợp cho người ngồi xe lăn, đặc biệt là lối cho xe lăn lên, xuống tại điểm tiếp giáp giữa vỉa hè và phần đường nơi có vạch sang đường.
TS. Lương Hoài Nam
Theo baogiaothong.vn
Post a Comment