Đối với các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch vừa có báo cáo việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp trước.
Tại thời điểm đó, việc cấp phép một số ca khúc của Bộ đã gây nhiều bức xúc trong dư luận, được đặt lên phiên chất vấn của Quốc hội.
Chiều 13/6, trước khi trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã nhìn nhận đó là sự việc "thực sự đáng tiếc" và xin nhận trách nhiệm người đứng đầu.
Nghị quyết về chất vấn tại kỳ họp thứ ba đã nêu bốn nhóm nhiệm vụ của ngành văn hoá, thể thao và du lịch. Một trong số đó là khẩn trương rà soát, sớm sửa đổi các quy định về việc quản lý tác phẩm, cấp phép biểu diễn nghệ thuật đáp ứng yêu cầu phát triển, cải cách hành chính và phù hợp với thực tiễn
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, từ đó đến nay Bộ đã thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính đối với thủ tục cấp giấy phép tổ chức biểu diễn và thủ tục cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu.
Cụ thể, đối với các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Còn đối với các chương trình ca, múa, nhạc và chương trình sân khấu đã, sắp hết hạn ghi trong giấy phép, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo Cục Nghệ thuật biểu diễn có văn bản gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/thành thống nhất hướng dẫn theo hướng tổ chức đề nghị cấp giấy phép chỉ cần có văn bản khẳng định không thay đổi nội dung chương trình thì được tiếp tục biểu diễn.
Báo cáo nêu, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã xây dựng, trình Ban Bí thư ban hành chỉ thị về "tăng cường bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay". Trong đó đã xác định rõ việc bồi dưỡng đạo đức, xây dựng lối sống con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa chiến lược, vừa cấp bách, vừa lâu dài của toàn Đảng, của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội.
Đây là nhân tố quan trọng của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh.
"Bộ đã và đang chỉ đạo xây dựng các chuẩn mực đạo đức, lối sống con người Việt Nam hiện nay, các mô hình văn hóa từ gia đình đến các đơn vị và cộng đồng dân cư, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành quy định về xét tặng danh hiệu "gia đình văn hóa", "khu dân cư văn hóa", về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của cán bộ, công chức, viên chức", Bộ trưởng cho biết.
Post a Comment