Hiệp hội Taxi Hà Nội vừa có văn bản kiến nghị gửi Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, liên quan đến một văn bản đánh giá thực trạng triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng và đề xuất biện pháp quản lý, mà Bộ Giao thông Vận tải vừa gửi Thủ tướng.
Trong văn bản này, Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải là không đầy đủ, không phản ánh đúng thực trạng của công tác thí điểm.
Bởi theo Hiệp hội, hầu hết các số liệu báo cáo là do đơn vị thí điểm cung cấp một chiều, do vậy "không chính xác, không khách quan, không đánh giá đúng hiệu quả và hậu quả của chương trình thì điểm". Đồng thời, các biện pháp quản lý, kiến nghị đưa ra "chung chung, không sát với thực tế".
"Các doanh nghiệp taxi tại Hà Nội không đồng tình với báo cáo kết quả đánh giá và các biện pháp đề xuất quản lý của Bộ Giao thông Vận tải tại văn bản số 9895 báo cáo Thủ tướng", Hiệp hội Taxi Hà Nội khẳng định.
Bên cạnh đó, theo Hiệp hội Taxi Hà Nội, vấn đề nêu ra trong bản kiến nghị không chỉ là vấn đề cạnh tranh kinh doanh giữa taxi truyền thống với Uber hay Grab, mà còn liên quan tới cơ sở pháp lý của loại hình dịch vụ kết nối kinh doanh vận tải xuyên biên giới của các công ty đa quốc gia.
Văn bản của Hiệp hội Taxi Hà Nội phân tích, thông thường, các công ty cung cấp phần mềm kết nối không cung cấp dịch vụ, họ chỉ tạo ra nền tảng để bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ gặp nhau. Tuy nhiên, các công ty như Uber, Grab không đơn thuần cung cấp phần mềm ứng dụng trên điện thoại kết nối người có nhu cầu đi lại với tài xế như một giải pháp công nghệ, mà họ đang trực tiếp thực hiện hoạt động của một công ty kinh doanh taxi.
Chẳng hạn như: lưu trữ, quản lý thông tin hồ sơ của lái xe; tiếp nhận nhu cầu của khách, thực hiện việc cung cấp thông tin hai chiều cho lái xe và khách; điều động xe, quyết định hành trình đi của xe; quyết định giá cước khi kết thúc hành trình; thu phí lai xe, khuyến mại cho khách hàng…
Việc làm này nhằm "sử dụng xe ôtô vận tải hàng hoá, hành khách trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm kinh doanh vận tải thu tiền trực tiếp và kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp", Hiệp hội nhấn mạnh.
Do đó, Hiệp hội Taxi Hà Nội kiến nghị, cần phải giải quyết khẩn cấp vấn đề bùng nổ số lượng xe thí điểm lên tới mức 50.000 xe chỉ trong khoảng thời gian 20 tháng. Đồng thời, phải đánh giá lại dịch vụ xe thí điểm Uber, Grab trên các số liệu, chứng cứ khoa học.
Hiệp hội Taxi Hà Nội cũng nhắc tới số phận của những phương tiện tham gia Uber, Grab: "Tương lai nào cho 50.000 xe thí điểm nếu chương trình dừng lại hoặc hạn chế thì những người đầu tư xe sẽ làm gì với những xe đã mua, tương lai nào cho GrabBike khi thành phố cấm xe máy, tương lai nào cho quy hoạch của các thành phố lớn khi số lượng xe chạy dịch vụ chở khách dưới 9 chỗ vượt gấp nhiều lần quy hoạch?".
Từ những điểm trên, Hiệp hội kiến nghị Uỷ ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội làm sáng tỏ các vấn đề trên.
Post a Comment