Chiều hôm qua chúng tôi đã đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội của cô giáo Lan, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Bùi Sỹ Lợi thông tin cuối phiên thảo luận sáng 31/10 của Quốc hội.

Trường hợp được ông Lợi đề cập là cô giáo mầm non Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, người mà theo phản ánh của báo chí là đã khuỵ ngã khi nhận lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng sau 37 năm trong nghề.

Không phải do làm sai

Trước đó, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cho rằng cần nghiên cứu sửa đổi, tăng lương cho giáo viên, nhân viên làm công tác giáo dục mầm non. Vì cô giáo mầm non vừa sử dụng trí tuệ, kỹ năng, tình yêu thương để giáo dục trẻ nhưng đồng thời họ phải lao động chân tay để chăm lo bữa ăn, giấc ngủ và dỗ dành trẻ, họ rất xứng đáng để được nhận đồng lương cao hơn.

"Chúng ta quyết không còn những trường hợp như cô giáo Trương Thị Lan ở Hà Tĩnh, sau 37 năm dạy học mầm non, nay khi nhận quyết định nghỉ hưu cô đã chết lặng với mức lương hưu mà được hưởng sắp tới sẽ là 1,3 triệu đồng/tháng", đại biểu Hiểu phát biểu.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nói đây là một vấn đề hết sức quan trọng, nếu nói không chuẩn người lao động sẽ băn khoăn.

"Trường hợp của chị Lan ở Hà Tĩnh chiều hôm qua chúng tôi đã đề nghị Bảo hiểm Xã hội Việt Nam báo cáo lại toàn bộ quá trình đóng bảo hiểm xã hội", ông Lợi cho biết.

Theo đại biểu Lợi, cô Lan thực chất đi dạy 37 năm, nhưng trước đó chỉ đi dạy theo cách tự nguyện và hưởng theo mức đóng góp của người dân, công điểm. Thực chất đóng bảo hiểm là 22 năm 8 tháng. Toàn bộ hệ thống tiền lương bình quân của các năm đóng bảo hiểm xã hội là 1,8 triệu, làm căn cứ bảo hiểm xã hội.

Khi cô Lan về hưu là 22 năm, tương đương với 69%, tính trên mức đóng bình quân của 22 năm. Như vậy, 69% nhân 1,8 triệu thì lương của cô được 1.270.000.

"Quốc hội rất sáng suốt là tất cả những người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà về hưu thấp hơn mức lương cơ sở thì được bằng lương cơ sở, nên chúng ta cấp bù cho cô Lan 37.000 để đạt 1.300.000. Như vậy, không phải do chúng ta làm sai, mà chúng ta đang cải cách tiền lương nên sẽ tính theo cách đóng cao để hưởng cao hơn và thời gian đóng dài hơn" , ông Lợi nhìn nhận.

Cảnh báo "xu thế thờ ơ chính trị trong lớp trẻ"

Hơn 20 ý kiến thảo luận và tranh luận, dù ghi nhận nhiều kết quả tích cực, song nỗi lo vẫn đầy ắp nghị trường.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) hai lần nhắc đến tình trạng "báo động"  khi nói về những vấn đề mang tính chất xu thế của xã hội.

Theo đại biểu Đặng Thuần Phong thì xu thế thờ ơ chính trị trong lớp trẻ rất đáng báo động.

"Lớp trẻ không quan tâm đến chính trị, xem nhẹ lịch sử, sống thực dụng, không có hình tượng lý tưởng để phấn đấu, thờ ơ thế cuộc, vô cảm trong quan hệ xã hội, bạo hành học đường, sa vào tệ nạn xã hội, suy thoái đạo đức... ", đại biểu nhận xét và cho rằng những vấn đề này đang gặm nhấm và tha hóa nhân cách của lớp trẻ.

Đây là vấn đề rất đáng báo động, ông Phong cảnh báo.

Ba xu thế khác cũng được vị đại biểu Bến Tre nêu ra. Thứ nhất, chống tham nhũng, chống lãng phí, triệt tiêu lợi ích nhóm là một xu thế mà Tổng bí thư đã khẳng định, toàn dân đang hưởng ứng và mong đợi.

Thứ hai, bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc là xu thế mang tính chất truyền thống. Bất kể hành vi nào xâm hại lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc đều kích ứng lòng dân, khơi dậy lòng yêu nước và nhân dân sẵn sàng xả thân đấu tranh đến cùng vì mục tiêu lý tưởng đó. Hiện tượng người dân không tin hàng hóa Trung Quốc, công trình Trung Quốc làm, không tin khi làm ăn hợp tác với Trung Quốc và hiện nay có tư tưởng bài xích doanh nghiệp FDI, được đại biểu nhắc sau khi nêu xu thế thứ hai.

Thứ ba, xu thế phản ứng chính sách. Ông Phong nói: dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng nhưng khi thực hiện những chủ trương, đường lối này thông qua các chính sách, nếu thiếu minh bạch, có vấn đề sẽ gặp ngay phản ứng gay gắt của nhân dân. Minh chứng cho vấn đề này là những phản ứng trong việc quản lý đất quốc phòng ở Đồng Tâm, sân bay Tân Sơn Nhất, các dự án BOT, 12 đại dự án của Bộ Công Thương, các khiếu nại đông người, vấn đề ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra....

Cũng nhiều lo lắng, đại biểu Ngọ Duy Hiểu nhìn nhận con đường phía trước vẫn còn nhiều vật cản. Đó là tình trạng bàn lùi, buông xuôi, vô cảm, sợ trách nhiệm, lợi ích nhóm, không trung thực, đối phó, cục bộ, bệnh thành tích, nói nhiều làm ít, xu nịnh, tham mưu theo kiểu hại nước, lợi mình, thiếu công khai minh bạch và can thiệp trái pháp luật còn phổ biến.

Các phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách của Quốc hội còn kéo dài đến hết sáng 2/11.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top