Xoay quanh những con số tăng trưởng, phiên thảo luận chiều 31/10 đã bớt đơn điệu khi có sự tranh luận giữa đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

Đầu phiên thảo luận sáng, đại biểu Hàm đã nhận xét về sự kỳ lạ của diễn biến GDP theo quý mấy năm gần đây, khi mà tăng, giảm rất đột ngột với những lý do không đủ thuyết phục.

Ông Hàm thống kê: nếu quý 4 năm 2015 cả nước hân hoan vì tăng trưởng đạt 7,01% thì quý 1 năm 2016 rơi thẳng xuống còn 5,48%. Mức tăng trưởng này nhích lên trong quý 2, quý 3 và đạt mức cao là 6,68% ở quý 4 năm 2016 nhưng lại đột ngột giảm ngay ở quý tiếp theo liền kề quý 1 năm 2017, giảm xuống còn 5,1%. Và GDP lại đang tăng tốc rất thần kỳ ở các quý cuối năm 2017, quý 3 đạt 7,46% và dự báo quý 4 là 7,31%. Còn quý 1 năm 2018 có thoát khỏi quy luật bất thường này không thì chưa rõ.

Hồi âm đại biểu, Bộ trưởng Dũng khẳng định về mặt số liệu là đáng tin cậy. Phương pháp thống kê có cơ sở khoa học và khách quan, đúng quy định của pháp luật về thống kê đã áp dụng nhiều năm, được nhiều tổ chức lớn của thế giới như WB và IMF thừa nhận.

Bộ trưởng cũng lý giải quý 3 năm nay tăng trưởng tăng vọt, và quý 4 chỉ cần 7,31% là cả năm đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, mà quý 4 bao giờ cũng tăng trưởng cao nhất, nên tin tưởng mục tiêu năm nay sẽ đạt được. "Tôi báo cáo để Quốc hội yên tâm", Bộ trưởng nói trong phiên họp được truyền hình trực tiếp.

Báo cáo thêm với Quốc hội số liệu tăng trưởng tháng 10 và 10 tháng để minh họa cho nhận định của mình, Bộ trưởng cho nêu: chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% (9 tháng chỉ tăng 7,1%), lượng khách quốc tế đạt 10,5 triệu lượt và dự kiến cả năm đạt 13 triệu lượt. Vốn FDI đăng ký đạt 28,2 tỷ USD, tăng 37,4% so cùng kỳ. Xuất khẩu tăng mạnh, đạt 125,5 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cả năm ước xuất khẩu đạt 204 tỷ USD, lần đầu tiên vượt ngưỡng 200 tỷ USD.

Khẳng định từ Bộ trưởng là "kết quả 10 tháng đang diễn biến tích cực cho thấy tín hiệu khả quan để đạt mục tiêu cả năm".

Nhất trí với nhận định của đại biểu Hàm là có sự khác biệt, tăng giảm giữa các quý trong năm, nhưng theo Bộ trưởng thì đây là chỉ tiêu chịu ảnh hưởng của chu kỳ sản xuất và yếu tố mùa vụ theo quy luật. Việc quý 1 năm sau thấp hơn quý 4 năm trước đã được các tổ chức quốc tế tại Việt Nam như IMF tổng kết. Tính bình quân, GDP quý 1 chiếm 18%, GDP quý 2 chiếm 24%, quý 3 chiếm 26% và quý 4 là 32% tổng giá trị GDP cả năm. Để đánh giá chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế cần đánh giá cả năm, trung hạn và dài hạn, Bộ trưởng nói.

Dùng quyền tranh luận, đại biểu Hoàng Quang Hàm trao đổi thêm hai nguyên nhân mà theo ông thì Bộ trưởng cần phải quan tâm.

Đại biểu Hàm nhấn mạnh hiện tượng chênh lệch tăng trưởng rất lớn giữa các quý chỉ diễn ra trong 3 năm gần đây, các năm 2013, 2014 không như vậy. 

"Đầu tiên là chúng ta đang cố tăng trưởng bằng mọi giá, giải pháp đưa ra các quý cuối năm là giải pháp ngắn hạn, như năm 2016 ta khai thác thêm dầu, để đảm bảo quý 3, quý 4 tăng trưởng, nên quý sau chúng ta bị hụt hơi, giảm sút. Quý 4 năm nay vẫn trông vào ngắn hạn, ví dụ ta đẩy tăng trưởng tín dụng từ 12% lên 21%, trong khi chỉ còn 3 tháng, hay đẩy mạnh đầu tư công.

Các động thái này đều có hệ lụy của nó. Ta đẩy tín dụng nhưng không xác định tín dụng đi về đâu, thì kiểm soát lạm phát về lâu dài rất ảnh hưởng. Tăng trưởng thì tốt, nhưng tăng trưởng phải bền vững, giải pháp phải căn cơ, lâu dài, chứ không phải ngắn hạn, trước mắt", vị đại biểu Phú Thọ thẳng thắn.

Nhận xét tiếp theo từ đại biểu là mô hình tăng trưởng không bền vững, dễ bị tổn thương, chưa xuất phát từ nội lực của nền kinh tế. "Chỉ riêng Samsung có vấn đề là tăng trưởng suy giảm ngay. Chúng ta phải đẩy mạnh xu hướng tăng trưởng bền vững, dựa vào nội lực của nền kinh tế chứ không phải quá phụ thuộc vào yếu tố tác động bên ngoài", ông Hàm nhấn mạnh thông điệp chính trong 3 phút tranh luận.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top