2020 GDP bình quân đầu người phải đạt 3.200 -3.500 USD, là thách thức rất lớn và nếu không đạt mục tiêu này thì khoảng cách tụt hậu ngày càng kéo dài.
Lo lắng này được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tại phiên thảo luận chiều 27/10 của Quốc hội, khi phát biểu giải trình những vấn đề đại biểu quan tâm.
Chính phủ tuyệt đối không chủ quan
Theo Bộ trưởng thì trong thời gian tới có 5 thách thức, trong đó có tụt hậu và khoảng cách phát triển.
"Báo cáo với Quốc hội, chỉ số GDP bình quân đầu người dự kiến năm 2018 đạt 2.540 USD mà mục tiêu Đại hội Đảng 12 đề ra là đến năm 2020 phải đạt 3.200 -3.500 USD. Hiện nay, chúng ta tăng nhanh mới có 150 USD thì trong 2 năm còn lại việc tăng thêm từ 800 - 1.000 USD nữa thì là thách thức rất lớn và nếu không đạt được mục tiêu này thì khoảng cách tụt hậu của chúng ta ngày càng kéo dài. Đây là một thách thức rất lớn", ông Dũng nói.
Nêu một thách thức khác được nhiều đại biểu đề cập liên quan đến cách mạng công nghiệp 4.0, Bộ trưởng cho biết Thủ tướng cũng đang chỉ đạo các Bộ Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan đang triển khai gấp rút, xây dựng chiến lược quốc gia về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có tầm nhìn, bước đi phù hợp, bài bản, tận dụng mọi cơ hội của cuộc cách mạng này.
Chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, yếu kém, hạn chế của các doanh nghiệp theo Bộ trưởng cũng là những thách thức trong thời gian tới.
"Tinh thần chung của Chính phủ tuyệt đối không chủ quan, theo dõi chặt chẽ và phân tích, đánh giá kịp thời các giải pháp", ông Dũng cho biết.
Đồng tình với nhiều giải pháp được đại biểu nêu, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh, nền kinh tế trong thời gian tới phải thực hiện mục tiêu kép. Đó là phải vừa duy trì ổn định kinh tế vĩ mô để thúc đẩy phát triển nhưng cũng phải đảm bảo thúc đẩy phát triển nhanh để tiếp tục duy trì sự ổn định vĩ mô đó.
"Đây là một mục tiêu mà chúng tôi cho rằng phải được dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phải tận dụng được, đào tạo tốt được nguồn nhân lực tốt hiện nay. Đẩy nhanh các công trình hạ tầng đã nêu trong ba chiến lược ", ông Dũng phát biểu.
Đại biểu nói bất khả thi, Bộ trưởng nói có thể đạt
Trong hai ngày thảo luận, khá nhiều ý kiến đại biểu băn khoăn cả về chất lượng và mục tiêu đến 2020 có một triệu doanh nghiệp.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng để đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp sau 2 năm nữa, mỗi năm, phải có thêm ít nhất trên 200.000 doanh nghiệp mới ra đời. Nhiệm vụ gần như là bất khả thi.
Bởi, vào thời điểm này, sau nhiều nỗ lực để xây dựng quốc gia khởi nghiệp và đã nói rất nhiều về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhưng Việt Nam cũng mới chỉ có 600.000 doanh nghiệp đang hoạt động .
Nhấn mạnh gần đây doanh nghiệp tăng trưởng rất nhanh, Bộ trưởng Dũng cho biết 2018 đang dự kiến là khoảng 130 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,5%.
Ông Dũng cũng nêu các nguyên nhân khiến 9 tháng đầu năm vừa qua số doanh nghiệp chờ giải thể tăng cao.
Thứ nhất, theo quy luật cạnh tranh, quy luật đào thải của những doanh nghiệp yếu, không còn khả năng tồn tại thì sẽ bị loại khỏi để thay vào những doanh nghiệp tốt và doanh nghiệp mới có điều kiện phát triển.
Thứ hai, việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất đang rất khó khăn đối với các doanh nghiệp, như tiếp cận về vốn, công nghệ, đất đai, lao động..
Thứ ba, từ tháng 4 vừa qua các địa phương tập trung vào rà soát số liệu của doanh nghiệp thì số đã giải thể từ mội vài năm trước chưa được tổng hợp, lần này đã được tổng hợp tương đối đầy đủ nên trong 9 tháng đã tăng cao so với con số của các năm trước.
Thứ tư, một số doanh nghiệp đúng là có hiện tượng trục lợi chính sách, lập lên nhưng không hoạt động gì, buôn bán hóa đơn...
Cho biết sắp tới Chính phủ đang có rất nhiều giải pháp xung quanh phát triển doanh nghiệp, ông Dũng thông tin là hiện đang có 702.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Như vậy còn hai năm nữa cần có khoảng 300.000 doanh nghiệp để đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào 2020.
Về giải pháp Bộ trưởng cho rằng phải triển khai hỗ trợ đầy đủ các chính sách, các chương trình của doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thứ hai, phải tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn nữa và dễ dàng tiếp cận với các thị trường yếu tố đầu vào như vốn, đất đai, công nghệ, lao động.
Thứ ba, đặc biệt phải tháo gỡ được các khó khăn và giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp mà như nhiều đại biểu đã nêu là còn rườm rà, còn vô cảm và đang làm mất rất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp, Thứ tư, khuyến khích phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khuyến khích phát triển một số doanh nghiệp lớn trong nước làm đầu tàu lôi kéo, tạo sức lan tỏa.
Bộ trưởng cũng thông tin là hiện nay đang có 5,2 triệu hộ kinh doanh, nhưng việc chuyển sang doanh nghiệp cũng rất khó khăn.
Vừa qua Chính phủ đã có một số giải pháp và Chính phủ cũng đã và đang chỉ đạo Bộ Tài chính xây dựng chế độ kế toán riêng cho các hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng một cơ sở đại lý thuế để tư vấn và cung cấp các dịch vụ kế toán cho các hộ kinh doanh này.
"Với tất cả những chính sách hỗ trợ chuyển hộ kinh doanh sang doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, chúng tôi tin rằng có lẽ phấn đấu cũng sẽ đạt được mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020", Bộ trưởng lạc quan.
Post a Comment