Đó là thông tin từ báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về kết quả thực hiện nghị quyết 55 của Quốc hội liên quan đến công tác điều tra, xử lý tội phạm.
Chính phủ cho biết từ sau kỳ họp thứ tư của Quốc hội (cuối 2017) đến nay tình hình tội phạm được kiềm chế, một số loại tội phạm được kéo giảm, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra.
Tuy nhiên, tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, chức vụ, tham nhũng đều tăng.
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong lĩnh vực này đã khởi tố điều tra 1.474 vụ, 2.161 bị can về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 72,60% số vụ, 44,94% số bị can so với cùng kỳ năm 2017); 320 vụ, 659 bị can về tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 32,23% số vụ, 13,23% số bị can so với cùng kỳ năm 2017).
Số vụ án về tham nhũng khởi tố mới tăng, chủ yếu là do các cơ quan chức năng đã quán triệt thực hiện nghiêm túc chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng, Chính phủ giải thích nguyên nhân.
Nhận định được nêu tại báo cáo là tội phạm kinh tế, tham nhũng vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, từ lĩnh vực kinh tế trọng điểm như ngân hàng, tài chính, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, giao thông, xây dựng cơ bản, thuế... đến các lĩnh vực an sinh xã hội như giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… gây dư luận bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Theo đánh giá của Chính phủ thì các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng tạo ra các "nhóm lợi ích" hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo "sân sau"… gây thiệt hại lớn tài sản của Nhà nước.
Ngoài ra, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đất nông nghiệp diễn biến phức tạp (thu hồi, đền bù, chuyển nhượng, san lấp, phân lô, xây dựng hạ tầng và nhà ở…), nhất là tại những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, giá nhà, đất biến động mạnh, tại khu vực có chủ trương phát triển kinh tế lớn (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc), một số doanh nghiệp Nhà nước được giao đất để thực hiện dự án nhưng đã chuyển nhượng trái phép cho doanh nghiệp tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Vi phạm nữa là cấp phép dự án tràn lan nhưng nhiều dự án "treo" dẫn đến nhiều người dân mất đất, thất nghiệp, gây bức xúc, khiếu kiện đông người.
Lĩnh vực y tế thì các vi phạm chủ yếu là hành vi trục lợi bảo hiểm y tế với nhiều thủ đoạn khác nhau; thông đồng nâng khống giá thiết bị, giá thuốc điều trị trong đấu thầu để chiếm đoạt. Đáng lưu ý, phát hiện việc làm giả hồ sơ bệnh án tâm thần cho các đối tượng hình sự nhằm trốn tránh trách nhiệm hình sự.
Minh chứng nhận định này, báo cáo nêu: tháng 8/2018, Công an Hà Nội đã phát hiện 78 hồ sơ bệnh án tâm thần được làm giả, trong số này có 41 hồ sơ của các đối tượng hình sự cộm cán. Đã khởi tố và bắt tạm giam 2 cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 để điều tra làm rõ.
Trong lĩnh vực thuế, Chính phủ cho biết, nổi lên vẫn là hành vi mua, bán hóa đơn giá trị gia tăng trái phép với thủ đoạn thuê người thành lập doanh nghiệp hay mua lại doanh nghiệp để bán hóa đơn giá trị gia tăng, chiếm đoạt tiền hoàn thuế giá trị gia tăng, hợp thức hóa chứng từ cho các hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu.
Tội phạm buôn lậu, sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng giả diễn ra phức tạp, đối tượng lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách tạm nhập, tái xuất, công tác quản lý thiếu chặt chẽ và sự tiếp tay của một số cán bộ thoái hóa, biến chất trong cơ quan chức năng để hoạt động buôn lậu, trốn thuế gây thiệt hại lớn... Chính phủ đánh giá.
Trong điều tra, xử lý tội phạm, cơ quan xây dựng báo cáo nhấn mạnh: riêng công tác phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế được đẩy mạnh với phương châm "làm từng bước vững chắc, kết luận điều tra từng phần, điều tra rõ đến đâu kết luận điều tra, chuyển hồ sơ đề nghị truy tố, xét xử đến đó, đảm bảo tiến độ theo yêu cầu, không để vụ án kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân. Những vấn đề phức tạp khác, cần có thời gian thu thập, củng cố tài liệu chứng cứ sẽ được tiếp tục điều tra mở rộng và đề nghị xử lý trong giai đoạn tiếp theo của các vụ án" có những chuyển biến tích cực, rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ .
Điển hình như: Vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Quốc Hảo; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Giang Kim Đạt; vụ án Đinh La Thăng; vụ án Trịnh Xuân Thanh; vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm); vụ án Đinh Ngọc Hệ (Út trọc);...
Công tác kê biên, thu hồi tài sản bị thiệt hại luôn được đặc biệt quan tâm, việc kê biên, thu hồi tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng đạt khá cao.
Điển hình như: Vụ Giang Kim Đạt hơn 300 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn hơn 10.000 tỷ đồng; vụ Ngân hàng Đông Á hơn 2.000 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh (giai đoạn I) hơn 6.000 tỉ đồng; vụ Đinh La Thăng hơn 20 tỷ đồng; vụ Trịnh Xuân Thanh hơn 45 tỷ đồng;...
Post a Comment