Dù không bắt buộc như các thành viên Chính phủ khác do mới nhậm chức, song Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chiều 31/10 cũng đã trực tiếp trả lời chất vấn tại Quốc hội.
Trước đó, trong một số chất vấn và tranh luận, đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan ngại về tính phức tạp của mạng xã hội khi nhiều quan điểm nêu ra tại nghị trường của một số đại biểu Quốc hội phải nhận những bình luận, quy chụp nặng nề trên mạng. Và sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm thì một số thành viên Chính phủ cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Đại biểu đặt vấn đề, "dường như ai cũng có thể trở thành nạn nhân trên mạng", "việc xúc phạm người khác rất dễ dàng trên không gian mạng" thì xử lý thế nào.
Sau đề nghị Bộ trưởng "khuyến mại" cho Quốc hội một câu trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Hùng đã đứng dậy từ hàng ghế khách mời.
Tân Bộ trưởng nhận định, thông tin sai trên mạng xã hội, đất nước nào cũng vướng, cả nước lớn như Mỹ lẫn nước nhỏ như Timor Lester.
Chúng ta sống trên không gian mạng chỉ được chục năm, chưa nhiều kinh nghiệm. Sự phát triển còn tiếp tục, kinh nghiệm sống đã có nhiều nghìn năm. Và một số kinh nghiệm thực sống có thể áp dụng sang không gian mạng, Bộ trưởng nói.
Để quản và xử lý thông tin trên mạng xã hội, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, trước hết cần định nghĩa tường minh thế nào là "thông tin sai". Hơn nữa, phải có công cụ giám sát, đánh giá những thông tin được đăng tải trên mạng xã hội.
"Hàng ngày trên mạng xã hội có khoảng 100 triệu thông tin, không thể dùng con người để đọc, kiểm soát được. Vậy nên Bộ Thông tin và truyền thông đang xây dựng hệ thống giám sát thông tin trên mạng xã hội, hệ thống có thể đọc, xử lý được 100 triệu tin/ngày. Sau nữa cần phải có công cụ quét rác. Đó là những vấn đề khoa học công nghệ có thể làm được", Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng nhấn mạnh, cái khó chính là mạng xã hội xuyên biên giới, họ cung cấp từ nước ngoài vào Việt Nam. Chúng ta phải mạnh tay hơn về việc yêu cầu nhà cung cấp xuyên biên giới tuân thủ luật pháp Việt Nam, đặc biệt là yêu cầu gỡ bỏ thông tin. Việc này, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm quốc tế. EU đã làm rồi, một số nước ASEAN làm rồi. Quan trọng là chúng ta cương quyết thượng tôn pháp luật. Cũng có chế tài xử lý người đưa thông tin sai trên mạng.
"Mạng xã hội không ảo nữa, mà thật rồi, chúng ta không nên bỏ trống trận địa này, đặc biệt là người dân, chính quyền phải sống nhiều hơn trên mạng xã hội. Cái tốt lớn lên thì xái xấu giảm đi. Chúng ta cũng cần nâng cao nhận thức của người dân, thông tin trên mạng xã hội là thông tin không được kiểm duyệt, cho nên không phải cái gì ta xem cũng tin ngay, cái này cần phải truyền thông", Bộ trưởng nói.
Post a Comment